Chứng khoán

Chứng khoán ngắt mạch giảm

Hai phiên lao dốc liên tiếp khiến thị trường chứng khoán phân hoá mạnh, bởi một số nhà đầu tư muốn tranh thủ nhịp điều chỉnh này để tăng tỷ trọng cổ phiếu trong khi một bộ phận khác càng e dè và bán ra. Nhóm vốn hoá lớn tiếp tục đối diện áp lực xả hàng trong khi dòng tiền có dấu hiệu quay lại các cổ phiếu hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hoá cơ bản.

VN-Index vì thế cũng giằng co quyết liệt, có ba lần đảo chiều từ tăng thành giảm trong phiên 9/3. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM có lúc tăng thêm gần 10 điểm, lên vùng 1.482 điểm rồi thu hẹp dần biên độ. Chỉ số đóng cửa tại 1.473,74 điểm, tăng không để đáng kể so với tham chiếu nhưng đã ngắt được mạch giảm hai phiên liên tiếp.

VN-Index tăng 0,03 điểm bất chấp số lượng cổ phiếu giảm áp đảo cổ phiếu tăng. Ảnh: VNDS.

VN-Index tăng 0,03 điểm bất chấp số lượng cổ phiếu giảm áp đảo cổ phiếu tăng. Ảnh: VNDS.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tăng nhưng số lượng cổ phiếu giảm lại chiếm ưu thế. Sắc đỏ áp đảo trong nhóm chứng khoán, xây dựng, dược phẩm trong khi dầu khí, phân bón và cảng biển đồng loạt đi lên.

VCB, cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index trong phiên hôm qua, đã tìm lại sắc xanh khi tăng gần 2% và trở thành lực đẩy quan trọng nhất để chỉ số chung đi lên. Cổ phiếu thuộc các nhóm ngành hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga – Ukraine như GAS, PLX, HPG, DPM, DCM, DGC chiếm ưu thế trong danh sách những mã đóng góp nhiều nhất cho thị trường.

Ở chiều ngược lại, BID mất 2,6% còn 40.500 đồng và đứng đầu danh sách những cổ phiếu ghì VN-Index xuống nhiều nhất. Tiếp theo trong danh sách này là MSN, BCM, VHM và VRE.

Thanh khoản sàn TP HCM đạt hơn 30.500 tỷ đồng, giảm 4.000 tỷ đồng so với hôm qua. Tuy nhiên, đây là phiên thứ ba liên tiếp giá trị giao dịch trên sàn TP HCM vượt mốc 30.000 tỷ đồng và phát đi tín hiệu dòng tiền đang trở lại thị trường. HPG dẫn đầu thanh khoản với gần 1.730 tỷ đồng, bằng hai cổ phiếu xếp sau là VND và GEX cộng lại.

Nhà đầu tư ngoại bán ròng phiên thứ ba liên tiếp. Khối ngoại hôm nay xả hàng gần 2.200 tỷ đồng, tập trung vào HPG, FPT và VNM trong khi giải ngân chỉ bằng phân nửa.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm