Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ nhảy múa sau tín hiệu mới từ ông Powell nhưng hỗn loạn vẫn đang chờ phía trước

 

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters). 

Thị trường hồ hởi

Thị trường cổ phiếu và trái phiếu đồng loạt bật tăng sau bài phát biểu mới nhất Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Nhưng một số nhà đầu tư tin rằng một cuộc suy thoái sẽ đến vào năm sau và cản trở đà tiến của cả hai loại tài sản này.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã bị vùi dập bởi các đợt tăng lãi suất liên hoàn của Fed trong năm nay. Nhưng trong những tuần gần đây, thị trường đã khởi sắc. Chỉ số S&P 500 nhảy vọt gần 14% kể từ đáy tháng 10. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức đỉnh 15 năm là 4,3% xuống khoảng 3,6%. Lợi suất biến động ngược chiều với giá trái phiếu.

Phản ứng tức thời của thị trường với bài phát biểu hôm 30/11 của ông Powell thể hiện rõ tâm trạng lạc quan gần đây của các nhà đầu tư.

Chỉ số S&P 500 bật tăng hơn 3% sau khi ông Powell nói rằng Fed có thể giảm quy mô các đợt tăng lãi suất ngay từ tháng 12. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng tình hình hiện nay vẫn chưa cho thấy rõ lãi suất cần tăng đến mức nào để dập tắt lạm phát.

Tuy nhiên, theo tờ Reuters, một nhóm nhà đầu tư tin rằng đà tăng điểm gần đây của thị trường chứng khoán sẽ kết thúc như một số đợt phục hồi yếu ớt trong năm nay. Chỉ số S&P 500 hiện vẫn thấp hơn đầu năm khoảng 14,4%.

Báo cáo việc làm và số liệu lạm phát tháng mới – lần lượt được công bố vào ngày 2 và 13/12 – có thể trở thành lực cản cho thị trường chứng khoán nếu chúng không cho thấy bằng chứng là nền kinh tế đã hạ nhiệt như ý muốn của Fed.

Xa hơn nữa, một số ngân hàng lớn nhất Phố Wall dự báo rằng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ gây ra một cuộc suy thoái vào năm sau.

Gần đây lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đã vượt quá lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm với cách biệt cao nhất kể từ giai đoạn bong bóng công nghệ cuối thập niên 1990.

Việc đường cong lợi suất đảo ngược càng làm tăng sức thuyết phục cho các dự báo về lạm phát, bởi đây là tín hiệu đã nhiều lần báo trước những giai đoạn sa sút của nền kinh tế.

Ông Jake Jolly, chuyên gia đầu tư cao cấp của ngân hàng BNY Mellon, cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là cuộc phục hồi của thị trường sẽ không kéo dài. Khả năng cao là Mỹ sẽ suy thoái vào năm sau, gây áp lực cho các tài sản rủi ro như cổ phiếu”.

“Cú sốc suy thoái”

Ông Jake Schumeier, nhà quản lý danh mục tại công ty Harbor Capital Advisors, nhận xét: “Bài phát biểu của ông Powell cho thấy Fed tự tin rằng hệ thống phanh mà họ gắn lên nền kinh tế đang hoạt động hiệu quả”.

“Hệ thống phanh” mà ông Schumeier nói đến là 4 đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp mà Fed bắt đầu tung ra từ tháng 6.

Song, về lâu dài, ông nhận xét: “Thị trường có vẻ đang chuẩn bị sẵn cho một đợt giảm tốc kinh tế, do đó tiềm năng tăng giá của cổ phiếu sẽ bị hạn chế một khi các yếu tố mùa vụ hỗ trợ thị trường trong giai đoạn cuối năm kết thúc”.

Bank of America là một trong những ngân hàng dự đoán Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Các nhà phân tích của Bank of America dự kiến chỉ số S&P 500 sẽ kết năm 2023 ở mức gần bằng với năm nay, trong bối cảnh thị trường phải đối phó với “cú sốc suy thoái”.

BlackRock Investment Institute cũng nhận định rằng suy thoái có nhiều khả năng xảy ra. Nhưng theo viện nghiên cứu này, “định giá cổ phiếu vẫn chưa phản ánh thiệt hại sắp tới”.

Chưa rõ những lo ngại về kinh tế sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm trạng tích cực của thị trường trong ngắn hạn. Phiên 30/11 đánh dấu lần đầu tiên chỉ số S&P 500 vượt lên trên đường MA 200 kể từ tháng 4. Một số nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật cho đây là dấu hiệu thể hiện sức mạnh trong ngắn hạn của cổ phiếu.

Ông Sameer Samana, chuyên gia thị trường cao cấp tại Wells Fargo Investment Institute, đánh giá: “Thị trường có động lực để lên cao hơn cho đến khi một điều gì đó xuất hiện và ngăn chặn hoàn toàn đường tiến”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm