Chứng khoán

Chứng khoán đi lên sau hai phiên điều chỉnh

Mở cửa phiên 6/9, chỉ số của sàn HoSE giằng co quanh tham chiếu khi lực mua và bán thay nhau chiếm ưu thế. Tuy nhiên biên độ rung lắc không lớn do dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất thấp, chưa tới 2.000 tỷ sau giờ đầu giao dịch. Nửa cuối buổi sáng, bên bán giành thế áp đảo khiến VN-Index lùi về dưới tham chiếu, giảm khoảng 5 điểm.

Đầu giờ chiều, áp lực sang tay cổ phiếu vẫn hiện hữu nhưng nhanh chóng đảo chiều. Đến khoảng 14h, chỉ số chung quay trở lại trên tham chiếu và dần tăng độ cao. VN-Index chốt phiên ở sát 1.274 điểm, tăng thêm 5,75 điểm so với hôm qua.

Tuy nhiên thị trường rơi vào tình trạng "xanh vỏ, đỏ lòng" khi có 212 cổ phiếu giảm giá, nhiều hơn so với 192 cổ phiếu tăng. Tuy nhiên chênh lệch không quá cách biệt.

Nhóm bluechip đóng góp lớn cho đà tăng của VN-Index hôm nay. Rổ VN30 ghi nhận 22 mã xanh, giúp chỉ số đại diện tích lũy hơn 6 điểm. Trong đó, các đại diện BID, MSN, CTG, GVR, HPG, FPT tạo động lực nhiều nhất.

Chỉ số tăng nhưng thanh khoản sàn HoSE lại có diễn biến ngược chiều. Tổng giá trị giao dịch hôm nay đạt gần 15.500 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ. Diễn biến tích cực nằm ở khối ngoại khi họ trở lại mua ròng 230 tỷ đồng, tâm điểm là FPT và CTG.

Phiên tích lũy hôm nay vẫn không đủ bù đắp cho hai phiên điều chỉnh trước đó. VN-Index giảm gần 10 điểm so với trước lễ. Dòng tiền chưa có dấu hiệu tham gia thị trường sôi động. Tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng mua vào, mặc khác những ai đang nắm giữ cổ phiếu cũng không cảm thấy quá cần thiết để xả hàng với giá thấp.

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến cổ phiếu VNZ hôm nay. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến cổ phiếu VNZ hôm nay. Ảnh: Tất Đạt

Trong khi đó trên sàn UPCoM, cổ phiếu VNZ lại có diễn biến đáng chú ý. Mở cửa ở 520.000 đồng một đơn vị - mức cao nhất toàn thị trường - mã chứng khoán của Công ty cổ phần VNG bắt đầu giảm mạnh vào khoảng 11h rồi chốt giá sàn 437.800 đồng trước khi nghỉ trưa. Tuy nhiên sang buổi chiều, thị giá cổ phiếu này lại cải thiện khá nhanh chóng và đóng cửa ở 480.000 đồng, giảm 6,8%.

Thanh khoản VNZ cũng đạt mức cao nhất ba tháng qua với hơn 16.400 cổ phiếu, tương đương hơn 7 tỷ đồng. Từ khi giao dịch trên UPCoM vào đầu năm đến nay, khối lượng sang tay bình quân của cổ phiếu này chưa tới 2.000 đơn vị mỗi phiên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm