Hôm nay 23/6, Vietnam Airlines đã được Cục hàng không Việt Nam cấp phép Khai thác tầm bay mở rộng (Extended Diversion Time Operations, viết tắt là EDTO) trên 180 phút cho loại tàu bay trang bị hai động cơ. Vietnam Airlines là hãng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt được chứng chỉ này.
Cụ thể, Vietnam Airlines đạt mức EDTO 207 phút cho 8 tàu Boeing 787-9 và 240 phút cho 14 tàu Airbus A350. Kết quả này tương đương với các hãng hàng không lớn trên thế giới và khu vực như Qatar Airways, Singapore Airlines, Japan Airlines, Eva Air…
Vậy EDTO 207 phút hay 240 phút có nghĩa là gì và có tác động ra sao tới hoạt động khai thác bay của các hãng?
Thời kỳ ngành hàng không còn non trẻ, các tàu bay đa phần dùng động cơ piston có độ tin cậy thấp, dễ dừng hoạt động khi đang bay.
Đối với các máy bay hai động cơ, khi một động cơ bị hỏng thì động cơ còn lại thường chỉ có thể bay tiếp được khoảng 60 phút. Do đó, đường di chuyển của máy bay này luôn phải nằm trong bán kính bay 60 phút bằng một động cơ tính từ sân bay dự phòng gần nhất.
Đến thập niên 1960, hầu như tất cả tàu bay thương mại đều đã chuyển sang sử dụng động cơ phản lực có độ an toàn cao hơn động cơ piston kiểu cũ rất nhiều.
Tuy nhiên quy định 60 phút vẫn được duy trì ở Mỹ cho đến thập niên 1980, khiến cho các chuyến bay đường dài xuyên Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương gặp vô vàn khó khăn do không thể bay theo đường thẳng qua biển mà phải bay đường vòng men theo vị trí các sân bay dự phòng, thậm chí không thể bay được.
Từ năm 1985, cơ quan quản lý của Mỹ nới lỏng giới hạn 60 phút và cho phép các chuyến bay cách sân bay dự phòng 120 phút.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã lập ra Tiêu chuẩn Hoạt động Tầm xa của Tàu bay hai động cơ (Extended-Range Twin-Engine Operational Performance Standards, viết tắt là ETOPS), sau này đổi tên thành Chứng chỉ Khai thác tầm bay mở rộng (Extended Diversion Time Operations, EDTO) để chuẩn hóa hoạt động của các hãng hàng không và các loại tàu bay.
Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam hiện nay, nếu chưa áp dụng loại hình “Khai thác tầm bay mở rộng” EDTO, đường bay của các hãng bay luôn phải có các sân bay dự phòng dọc đường mà tàu bay đến được trong vòng 60 phút nếu bị hỏng một động cơ, tương ứng với ETOPS 60.
Chính những hạn chế về tiêu chuẩn ETOPS khiến cho nhiều hãng bay trên thế giới không thể bay theo đường thẳng từ A đến B mà phải bay theo đường vòng, men theo vị trí của các sân bay dự phòng.
Hãng nào có ETOPS hay EDTO với mỗi loại tàu bay càng cao thì càng có nhiều lựa chọn khi thiết lập đường bay, có thể bay xuyên qua đại dương, hoang mạc, tránh các vùng chiến sự, cách rất xa sân bay dự bị. Việc bay theo đường thẳng thay vì đường vòng giúp cho các hãng nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm lượng nhiên liệu tiêu hao cũng như tiết kiệm thời gian cho hành khách.
Các tiêu chuẩn ETOPS 180 và ETOPS 207 như Vietnam Airlines vừa đạt được cho phép tàu bay thương mại hai động cơ bay lượn trên khoảng 95% diện tích bề mặt trái đất. Chỉ một số ít khu vực thuộc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Nam Cực là không có sân bay dự phòng cho các chuyến bay ETOPS 180 và 207.
Hiện nay, một số tàu bay đã được cấp chứng nhận ETOPS lên tới 300, 330 hay thậm chí là 370 phút như dòng A350 XWB của Airbus. Nói cách khác, khi một trong hai động cơ bị hỏng thì chiếc A350 XWB có thể bay thêm được hơn 6 giờ đồng hồ nữa.
Tuy nhiên, không phải các hãng hàng không cứ mua tàu bay có chuẩn ETOPS cao là sẽ được phép thực hiện các đường bay dài xuyên đại dương. Ngoài việc có tàu bay, hãng hàng không còn phải chứng tỏ khả năng khai thác an toàn, xây dựng các kịch bản ứng phó với những tình huống bất ngờ.
Nếu máy bay gặp sự cố ở giữa biển thì sẽ di chuyển về sân bay dự phòng nào? Sân bay đó có đủ năng lực về hạ tầng và con người để xử lý sự cố hay không? Nếu vấn đề kéo dài 20 – 30 giờ đồng hồ hoặc lâu hơn mà vẫn chưa được khắc phục thì các hành khách sẽ ăn gì, ngủ ở đâu? Phi hành đoàn dự phòng sẽ di chuyển từ đâu tới? … Hãng bay phải trả lời rất nhiều câu hỏi khó trước khi được phép khai thác một đường bay dài, cách xa sân bay dự phòng.