Tình trạng vướng mắc mặt bằng, vốn "kìm chân" bao dự án trước đây sẽ không xảy ra tại 2 dự án quan trọng này nếu tất cả các địa phương nỗ lực bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ, tạo tiền đề quan trọng để dự án triển khai, hoàn thành đúng thời hạn.

Tỉnh Nghệ An sẽ bố trí 30 khu tái định cư phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
ẢNH: KHÁNH HOAN
Bí thư các xã là trưởng ban giải phóng mặt bằng
Trong phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm lĩnh vực đường sắt sáng 9.7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương liên quan đồng loạt khởi công giải phóng mặt bằng (GPMB) 2 dự án nói trên vào ngày 19.8.
Ngay sau hiệu lệnh từ người đứng đầu Chính phủ, hàng loạt địa phương dọc các tuyến đã bắt tay rốt ráo thực hiện công tác GPMB. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) cho biết đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, để trong tháng 7 hoàn thành rà soát hướng tuyến và tháng 8 bàn giao cọc mốc GPMB từng phần trên thực địa liên quan đến các địa phương.
Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam có chiều dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), ban đầu đi qua 20 tỉnh, TP. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, số địa phương giảm xuống còn 15. Quy mô dự án gồm 23 ga, trong đó có 5 ga hàng hóa. Nhu cầu sử dụng đất sơ bộ khoảng 10.827 ha. Dự kiến khoảng 120.836 hộ dân phải tái định cư. Theo kế hoạch, các địa phương được yêu cầu hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cơ bản trước tháng 12.2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) chủ trì thực hiện tiểu dự án di dời các công trình điện từ 110 kV trở lên, hoàn thành trước tháng 12.2026.

Các địa phương đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng sau thời gian triển khai hàng loạt các dự án cao tốc
ẢNH: PHẠM ĐỨC
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo GPMB dự án đầu tư xây dựng 2 tuyến đường sắt đoạn qua Hà Nội sáng qua 11.7, Giám đốc Sở NN-MT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua Hà Nội có chiều dài khoảng 37,5 km, đi qua các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm (cũ), dự kiến khối lượng GPMB khoảng 245,2 ha. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, dự án đi qua các xã Tiến Thắng, Quang Minh, Phúc Thịnh, Thư Lâm, Phù Đổng, Thuận An.
Với dự án ĐSTĐC, đoạn tuyến đi qua Hà Nội khoảng 27,9 km; tổng diện tích đất dự kiến thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng 112,74 ha, nằm trên các xã Ngọc Hồi, Thường Tín, Thượng Phúc, Phượng Dực, Chuyên Mỹ và Đại Xuyên (các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên cũ).
Để đảm bảo tiến độ dự án, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Bí thư Đảng ủy các xã phải là trưởng ban chỉ đạo GPMB của xã để thực hiện các dự án GPMB liên quan 2 dự án đường sắt quan trọng này. Về phía TP, sẽ sớm ban hành hướng dẫn các quy định liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền, thẩm quyền của cấp xã trong thực hiện công tác GPMB 2 dự án. Trong đó, sẽ hướng dẫn cụ thể những phần việc nào thuộc thẩm quyền, phần việc nào phải xin ý kiến cấp trên để bảo đảm việc GPMB đúng quy định của pháp luật và tiến độ đề ra, chú trọng các nội dung liên quan đến việc chỉ định thầu. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị các xã liên quan cần chủ động và trong tuần sau phải chốt được các điểm tái định cư trên địa bàn.
Tại Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy sẽ làm Trưởng ban GPMB dự án ĐSTĐC Bắc - Nam đoạn qua tỉnh. Theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành, tiến độ hoàn thành xây dựng các khu tái định cư chậm nhất là tháng 9.2026; cơ bản hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng trước tháng 12.2026 và hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong quý 1/2027 theo yêu cầu của Chính phủ. Thanh Hóa cũng đang tổ chức triển khai thực hiện đầu tư 39 khu tái định cư trên địa phận 16 xã, phường sau khi kiện toàn chính quyền địa phương 2 cấp với tổng diện tích là 287,14 ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.752 tỉ đồng.

Giải phóng mặt bằng trước đã giúp dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 rút ngắn tiến độ
ẢNH: MAI HÀ
Trong khi đó, theo Sở Xây dựng Nghệ An, tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam có chiều dài 85,5 km qua địa bàn tỉnh. Trong đó, 1.942 hộ dân sẽ được bố trí tái định cư. Tỉnh dự kiến xây dựng 30 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 102 ha, kinh phí khoảng 1.450 tỉ đồng, để đáp ứng nhu cầu nhà ở mới cho người dân.
Với TP.HCM, đoạn tuyến ĐSTĐC đi qua TP dài khoảng 17 km, với 2 điểm chính là ga Thủ Thiêm rộng hơn 17 ha và depot Long Trường hơn 60 ha. Tổng chi phí bồi thường, GPMB dự kiến hơn 2.100 tỉ đồng.
Theo ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở NN-MT TP.HCM, đây là công trình trọng điểm quốc gia nên TP chủ động các bước chuẩn bị nhằm đảm bảo tiến độ toàn tuyến. Hiện TP đã giao các đơn vị chuyên môn rà soát, lập kế hoạch chuẩn bị mặt bằng để sẵn sàng triển khai đồng bộ cùng các địa phương khác. Song, vẫn chờ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) bàn giao ranh mốc cụ thể để làm cơ sở kiểm đếm, đo đạc, chi trả bồi thường và tái định cư.
Mặt bằng đi trước, dự án theo sau
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, hàng loạt cơ chế đặc thù đã được áp dụng cho 2 dự án đường sắt. Trong đó, Quốc hội thống nhất chủ trương tách GPMB phục vụ dự án ĐSTĐC Bắc - Nam thành một dự án riêng để địa phương chủ động và kịp thời triển khai.
Đặc biệt, Quốc hội cho phép chỉ định thầu với gói thầu (tư vấn, phi tư vấn, xây lắp) thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ GPMB dự án ĐSTĐC. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đây là chính sách tương tự chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy, trước đây theo quy định pháp luật, phải phê duyệt dự án xong mới xác định phạm vi GPMB, cắm mốc bàn giao cho địa phương triển khai thực hiện, thời gian mất 5 - 7 năm. Mặt bằng đã trở thành nút thắt của nhiều dự án, chỉ cần chậm 1 năm thì chi phí vốn đã đội lên rất nhiều, nhà thầu tổn thất, máy móc thiết bị, nhân công đều phải chờ đợi… Từ thực tế này, Chính phủ đã trình cấp thẩm quyền cho phép triển khai GPMB sớm với nhiều dự án.
Thực tế, việc tách công tác GPMB thành dự án riêng đã chứng minh được hiệu quả vượt trội từ các dự án giao thông đường bộ lớn đã triển khai. Đơn cử, nhờ tách dự án GPMB thành dự án riêng, tiến hành phê duyệt ranh, kiểm đếm, đo đạc… trước một số bước, TP.HCM đã lập kỷ lục về tiến độ GPMB. Chỉ 1 năm sau khi dự án được duyệt chủ trương đầu tư, TP.HCM đã bàn giao được hơn 70% mặt bằng, đủ điều kiện để tiến hành khởi công công trình. Quá trình này rút ngắn 1 - 1 năm rưỡi so với cách làm trước đây. Nếu không có cách làm trên, các công đoạn rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Từ mô hình này, TP.HCM đã áp dụng cho rất nhiều dự án xây dựng hạ tầng lớn nhỏ trên địa bàn và gần nhất cũng đang tiến hành hàng loạt công việc như cắm cọc, bàn giao ranh GPMB cho các địa phương tiến hành đo vẽ, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường cũng như xác định nhu cầu, hình thức tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; xin cơ chế áp dụng tương tự với Vành đai 4 TP.HCM…
Gỡ nút thắt mặt bằng và vật liệu
Chia sẻ kinh nghiệm từ thành công của các công trình đường bộ lớn được áp dụng mô hình tách riêng dự án GPMB, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng), cho biết: Để đảm bảo tiến độ của một dự án, đặc biệt là những dự án lớn như ĐSTĐC Bắc - Nam, ngoài năng lực của các chủ thể tham gia, có 2 vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết là nguồn vật liệu và GPMB, đặc biệt là công tác GPMB. Dự án trải dài qua nhiều địa phương, với một khối lượng mặt bằng ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp dọc tuyến, nhiều công trình hạ tầng đan xen, sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Chưa kể, việc xác định các khu tái định cư sẽ phức tạp hơn nhiều. Đây cũng là vấn đề mà các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam triển khai thời gian qua đã gặp phải.
Tuy nhiên, nhờ được áp dụng cơ chế đặc thù triển khai đồng thời công tác GPMB song song các hồ sơ kỹ thuật của dự án, thời gian được rút ngắn rất nhiều. Trong khi đang lựa chọn công nghệ, lựa chọn đơn vị xây dựng, các nhà đầu tư có thể tranh thủ phối hợp để địa phương chủ động chuẩn bị trước mặt bằng sạch. Việc triển khai một cách căn cơ, bài bản từ công tác kiểm đếm, đo đạc đến xác định đơn giá, lập kế hoạch chi tiết đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trước khi khởi công các hạng mục xây lắp là tiền đề rất quan trọng để đẩy nhanh tiến độ công trình.
"Đơn cử, trên đoạn cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau khi huy động máy móc, nhân lực khởi công thì chúng tôi đã có được tới 95% mặt bằng đáp ứng rồi, chỉ còn phần nhỏ hạ tầng phức tạp chậm hơn có thể hoàn thành sau. Thành quả này là nhờ việc khởi động GPMB trước một năm so với thời điểm thi công", ông Trần Văn Thi dẫn chứng.
Cũng theo ông Trần Văn Thi, cơ chế tách GPMB thành dự án riêng để triển khai trước là chủ trương rất đúng, trúng và rất quan trọng. Để triển khai hiệu quả mô hình này, kinh nghiệm từ các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam cho thấy các cấp, các ngành của từng địa phương cần phải có bộ máy chỉ đạo trực tiếp, lập kế hoạch chi tiết cho tất cả các hạng mục để khớp với nhau, làm sao đảm bảo tổng tiến độ của toàn tuyến qua các địa phương hoàn thành 100% phần mặt bằng trước ngày khởi công xây dựng. Ở cấp cao hơn, Bộ Xây dựng và phía trên là Ban Chỉ đạo do Thủ tướng đứng đầu sẽ đưa ra những mốc tiến độ cụ thể để các địa phương dựa vào đó thực hiện, thậm chí phải chi tiết tới mức bao giờ thì hoàn thành đầu việc gì… Song song, sự điều hành thường xuyên, liên tục của lãnh đạo Bộ, của Chính phủ sẽ thúc đẩy các địa phương đảm bảo nghiêm túc tiến độ đã vạch ra.
"Sau thời gian triển khai hàng loạt dự án cao tốc đường bộ, đường liên tỉnh, xuyên vùng, tôi cho rằng các địa phương cũng đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong công tác GPMB. Mỗi địa phương cũng đều có thêm những cách triển khai sáng tạo và đã từng bước "hái trái ngọt" từ sự năng động, đổi mới của mình. Đây sẽ là nền tảng rất tốt cho quá trình triển khai công tác GPMB cho tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam. Câu chuyện khó khăn muôn thuở lâu nay của các công trình giao thông đã được đúc rút qua nhiều nhiệm kỳ, qua nhiều dự án lớn mới đề xuất ra được các cơ chế, chính sách như hiện tại. Đây là sự kế thừa, học hỏi từ lịch sử để làm tốt hơn trong tương lai. Với hệ thống chính sách, cơ chế cởi mở như hiện nay, dự án ĐSTĐC Bắc - Nam chắc chắn sẽ được triển khai rốt ráo phần mặt bằng, hỗ trợ thi công đúng tiến độ, xứng đáng là dự án lịch sử trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Trần Văn Thi nhìn nhận.
Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam có sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha, số người dân tái định cư gần 121.000 người. Sơ bộ kinh phí GPMB, tái định cư khoảng 150.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài gần 419 km, tổng mức đầu tư khoảng hơn 8,3 tỉ USD, đi qua địa bàn 9 tỉnh, TP phía bắc. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, số dân tái định cư khoảng 19.136 người.
Nguồn lợi lớn từ khai thác quỹ đất TOD
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông), khai thác thương mại dự kiến khoảng 22 tỉ USD, trong đó 5 tỉ USD từ quảng cáo dịch vụ và 17 tỉ USD từ quỹ đất.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy giá trị đất đai xung quanh khu vực ga đường sắt sẽ gia tăng sau khi tuyến được đưa vào khai thác. Để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả đầu tư dự án, các địa phương sẽ chủ động triển khai các dự án TOD đồng thời với quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án ĐSTĐC, quyết định thời điểm đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương và ngân sách T.Ư. Đối với các ga tiềm năng, dự kiến trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Chính phủ sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư các khu ga.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 9 mới đây, Quốc hội cho phép bổ sung hình thức đầu tư tư nhân với dự án ĐSTĐC Bắc - Nam cùng khai thác nguồn lợi từ mô hình TOD. Nhà đầu tư thực hiện đường sắt được ưu tiên triển khai các dự án phát triển đô thị xung quanh nhà ga, vừa bù đắp tài chính vừa đảm bảo không gian đô thị đồng bộ. Bên cạnh việc tạo cơ hội cho tư nhân tham gia, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy, Nhà nước vẫn đóng vai trò then chốt trong xây dựng và định hướng quy hoạch phát triển. Nhà nước cũng kiểm soát rủi ro như quy định rõ trong luật Đường sắt về không được phép chuyển nhượng vốn, tài sản dự án cho tổ chức nước ngoài.