Doanh nghiệp

Chủ tịch VACC: "Nhà thầu đầu tư công chấp nhận lỗ và hy vọng tìm được công trình khác để bù đắp"

 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Fecon (bên phải) và ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (giữa). (Ảnh: Chụp màn hình).

Tại talk show với chủ đề "Cấp bách gỡ vướng cho doanh nghiệp ngành xây dựng" của Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) chia sẻ rằng trong 10 năm trở lại đây, năm 2023 là năm khó khăn nhất với ngành xây dựng.

"Có thể nói ngành xây dựng gắn bó mật thiết, đồng thời, cũng chịu tác động mạnh nhất bởi ngành bất động sản. Nên có bất động sản khó khăn thì xây dựng cũng không có việc làm", ông Hiệp nói.

Giai đoạn 2020-2023, theo ông Hiệp, ngành xây dựng được hỗ trợ bởi đầu tư công khi lượng vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, đầu tư công chỉ có một số ít doanh nghiệp làm được nên việc làm chưa phân bổ đều.

Do đó, nhìn chung doanh nghiệp xây dựng đang rất khó khăn khi vừa không có việc làm, vừa gặp vấn đề công nợ từ các các chủ đầu tư. Bên "chịu trận" cuối cùng của cuộc khủng hoảng bất động sản lại là doanh nghiệp xây dựng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Fecon (Mã: FCN), thị trường là  vấn đề lớn với doanh nghiệp xây dựng. Một trong những giải pháp vào thời điểm khó khăn của thị trường là đầu tư công nhưng lại có những rào cản nhất định."

Thứ nhất đến từ quy định về luật đấu thầu bởi khi chọn thầu thường xem năng lực kinh nghiệm đối với các công trình tương tự trong vòng 5 năm. Cho nên, nếu nhà thầu có những năng lực kinh nghiệm cấu thành để thực hiện dự án nhưng công trình tương tự không có thì cũng không thể tham gia thị trường.

Thứ hai, là đơn giá định mức chưa theo kịp thị trường dẫn đến công ty xây dựng tham gia đầu tư công nguy cơ lỗ rất cao. Nên một số dự án đầu tư công khó có thể đẩy nhanh tiến độ như chủ đầu tư mong muốn.

Nói thêm về vấn đề này, ông Hiệp cho biết, một số đơn giá do địa phương công bố thường thấp hơn thị trường từ 8-12%. "Như Vinaconex sau khi nhận gói thầu cao tốc đoạn Mai Sơn – Quế Lộ, dự toán thi công đã thấy lỗ 40%", ông nói.

Song, nếu không làm thì doanh nghiệp sẽ không có việc để lo bảo hiểm xã hội và tiền lương cho người lao động. Do đó, nhà thầu biết lỗ nhưng chấp nhận để hy vọng ngày mai tìm được công trình khác để bù đắp.

Bên cạnh vấn đề giá định mức và ít việc làm, theo ông Hiệp, các nhà thầu còn phải đối mặt với vấn đề dòng tiền khi 90% công ty xây dựng có vốn nhỏ từ 150 đến 200 tỷ đồng. Trong khi đó, đặc thù ngành là phải vay vốn để làm trước, do đó đây là khó khăn lớn nhất của ngành xây dựng trong năm 2023.

Chủ tịch VACC cho rằng, bất cập này đến từ việc chưa có cơ chế về pháp lý cụ thể về quy định của hợp đồng nên các nhà thầu luôn chịu thua thiệt. 

Từ đó, ông nêu lên ba kiến nghị để giúp hỗ trợ lĩnh vực xây dựng trong giai đoạn này. Thứ nhất, cần hành lang pháp lý công bằng hơn để bảo vệ nhà thầu. Nếu chủ đầu tư muốn nghiệm thu, đưa vào sử dụng công trình thì phải xác định trách nhiệm của nhà thầu đã hoàn thành. Và khi chủ đầu tư không thanh toán thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ hai, là cần một cuộc cách mạng về đơn giá định mức trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy mạnh. Và cuối cùng, là cần cơ chế hỗ trợ nhà thầu một cách bình đẳng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cơ chế về tài chính. 

"Hiện nay vốn vay xây dựng đang được quan niệm là vốn vay dịch vụ công nghiệp chứ không phải sản xuất.Trong khi đó xây dựng sản xuất ra sản phẩm quy mô lớn nhưng không được ưu đãi về lãi vay như sản xuất công nghiệp. Điều này chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà thầu xây dựng", ông Hiệp nói.

Ông cũng cho biết, nếu trước kia lao động thời vụ trong ngành chiếm 80-85% thì nay đã giảm xuống còn 65-70% nghĩa là trình độ công nghệ tăng lên, nên sẽ cần có thợ được đào tạo chuyên nghiệp. Mà những doanh nghiệp có vốn vừa và nhỏ không thể đủ khả năng để tạo ra trường đào tạo. Vì thế, trước mắt VACC, đang liên kết các doanh nghiệp lớn để thành lập trường đào tạo. 

Trong khi đó, theo ông Tùng, doanh nghiệp cũng không thể chờ đợi thị trường mà đang tìm cách để vượt qua. Một mặt, doanh nghiệp đẩy mạnh khoa học kỹ thuật đẻ tăng năng suất và một mặt lựa chọn những khách hàng có tính cam kết, sẵn sàng đối xử với nhà thầu bình đẳng.

Bên cạnh đó, là đàm phán với các đơn vị tài trợ vốn sẵn sàng trợ khách hàng sớm hơn và mở rộng sang các thị trường phù hợp trong khu vực.     

Cùng chuyên mục

Đọc thêm