Chứng khoán

Chủ tịch Smart Invest (AAS): “Thị trường trái phiếu năm 2022 sẽ khó đạt mức độ tăng trưởng ấn tượng như năm trước”

Trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8, bà Ngô Thị Thùy Linh, Chủ tịch CTCK Smart Invest (AAS) cho biết, trong quý 1/2022, thị trường trái phiếu đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng trưởng tốt. Nhóm khách hàng mua trái phiếu cũng ngày càng đa dạng hơn từ các định chế tài chính đến các doanh nghiệp và các cá nhân, đặc biệt khách hàng đến từ các tỉnh cũng tăng lên.

Thị trường trái phiếu ngày càng phát triển mạnh, đóng góp vào doanh thu của các công ty chứng khoán lên đến 60-70%. Còn riêng trong quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng về phát hành của doanh nghiệp vẫn khá tốt nhưng về việc bán có chút chậm lại.

"Nếu như năm 2020, giá trị giao dịch trái phiếu của công ty tôi vào khoảng 22.000 tỷ đồng và năm 2021 giá trị giao dịch đạt được đến 55.000 tỷ đồng, thì trong quý 1/2022 có vẻ chững hơn, do nghị định 153 ngày càng đi vào hiệu quả. Giá trị giao dịch của trái phiếu vẫn khá tốt nhưng phân khúc của thị trường sơ cấp có vẻ tốt hơn so với thị trường thứ cấp" – bà Ngô Thị Thùy Linh chia sẻ.

Chủ tịch Smart Invest (AAS): “Thị trường trái phiếu năm 2022 sẽ khó đạt mức độ tăng trưởng ấn tượng như năm trước” - Ảnh 1.

Thị trường trái phiếu sẽ minh bạch hơn với nghị định 153

Về phía góc độ nhà tư vấn cho các doanh nghiệp, cho các tổ chức phát hành và cho các nhà đầu tư, bà Ngô Thị Thùy Linh đánh giá nghị định 153 sẽ nâng cấp thị trường trái phiếu của Việt Nam minh bạch hơn, sàng lọc về chất lượng hơn.

Về dài hạn, nghị định 153 sẽ hạn chế các rủi ro về trái phiếu cho nhà đầu tư. Vì bản chất nhà đầu tư cá nhân thực sự họ không có đủ kiến thức chuyên nghiệp như các định chế tài chính để đánh giá được rủi ro của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do đó, cần có những tiêu chí xếp hạng tín nhiệm và các điều kiện liên quan đến mục đích phát hành, để hạn chế những trái phiếu thực sự phát hành chỉ với mục đích huy động.

Thực tế, khi đứng trên góc độ nhà tư vấn, Smart Invest luôn đánh giá sơ bộ về việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng vào mục đích gì, có tài sản đảm bảo như thế nào và liệu dòng tiền của doanh nghiệp có đủ thanh toán cho nhà đầu tư trong tương lai hay không? Với nghị định 153, Nhà nước sẽ nắm bắt tình hình thị trường để đưa ra chính sách điều chỉnh, để nâng cao chất lượng cho thị trường trái phiếu tốt hơn nữa..

Hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã đưa các thông tin truyền thông để cảnh báo rủi ro đối với các nhà đầu tư liên quan đến các kênh trái phiếu vì cũng có nhiều trái phiếu của các doanh nghiệp tự tổ chức phát hành, tự chào bán chứ không thông qua các tổ chức tư vấn. Bà Ngô Thị Thùy Linh kiến nghị nên đưa một quy định thêm về điều kiện sàng lọc về vấn đề tư vấn hoặc quản lý của các đại lý phát hành.

"Nên chăng ràng buộc thêm về các tiêu chí liên quan đến đơn vị tư vấn hay bắt buộc có đơn vị bảo lãnh, để tăng cường chất lượng trái phiếu, đảm bảo được thanh khoản cho trái phiếu đó, vì thực sự trên thị trường hiện tại có đến 40% trái phiếu phát hành đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Nhưng dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản không được ổn định như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác, nó thăng trầm theo thị trường bất động sản, nhưng họ có tài sản đảm bảo. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất khác, tài sản đảm bảo hạn chế nhưng lại có dòng tiền tốt để đảm bảo việc thanh toán cho trái phiếu" – bà Ngô Thị Thùy Linh chia sẻ.

Tuỳ vào khẩu vị, cần nêu cao vai trò của nhà tư vấn phát hành lẫn nhà tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư để hạn chế các rủi ro khi tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam. Xếp hạng tín nhiệm là điều tất yếu và nên có để cho nhà đầu tư có cơ sở để định hạng, đánh giá được chất lượng tín dụng của doanh nghiệp tốt hay xấu. Bên cạnh đó, tổ chức phát hành sẽ có một áp lực để có thể chuẩn hóa doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phải tốt và chuẩn hóa được dòng tiền, nguồn vốn từ đó tạo được sân chơi tốt hơn, minh bạch thông tin hơn.

Khó tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022

Chủ tịch CTCK Smart Invest (AAS) cho rằng thị trường trái phiếu năm 2022 sẽ không đạt được mức độ tăng trưởng ấn tượng như năm 2021. Nguyên nhân do năm nay FED đã tăng lãi suất và lãi suất toàn cầu hầu như cũng đã tăng, sẽ hạn chế dòng tiền gián tiếp. Lãi suất trong nước cũng sẽ tăng do lạm phát và nhu cầu tín dụng cũng tăng lên sẽ dẫn đến nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu cũng sẽ không có mức tăng trưởng như năm ngoái.

"Giá trị giao dịch của năm 2021 của Smart Invest gấp đôi so với năm 2020, thế nhưng năm nay riêng quý 1/2022 cũng chỉ tăng trưởng rất nhẹ. Tuy nhiên, dựa trên những chính sách ban hành mới của cơ quan quản lý nhà nước và những cảnh báo vừa qua đối với các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro của kênh trái phiếu, thị trường đã tăng cường hơn về chất lượng, chuyên nghiệp hơn trong tương lai" – bà Ngô Thị Thùy Linh cho biết thêm.

Smart Invest cũng không nằm ngoài xu thế tăng vốn của các công ty chứng khoán và dự kiến tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay. Với quy mô tương đương với các ngân hàng thương mại nhỏ với 50% sẽ tập trung vào kinh doanh trái phiếu, Smart Invest cũng là những nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu của các tổ chức phát hành chất lượng. Hơn nữa, công ty cũng muốn gia tăng việc đầu tư vào trái phiếu để đồng hành tham gia cùng các nhà đầu tư, để khẳng định uy tín cũng đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm