Ngày 18.4, tại TP.Vị Thanh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tiếp xúc với hơn 400 cử tri là lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức, công đoàn viên, người lao động… trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang
ẢNH: THANH DUY
Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đã báo cáo kết quả hoạt động, trả lời các kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 8 đến nay. Đồng thời, thông tin nội dung chương trình kỳ họp thứ 9, dự kiến khai mạc vào ngày 5.5. Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng về hiến pháp, lập pháp, 30 dự án luật, 7 nghị quyết; cho ý kiến đối với 6 dự án luật và nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội quan trọng khác.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri kiến nghị nâng cấp cầu đường, xử lý quảng cáo hàng giả, điều chỉnh một số quy định bất cập trong lĩnh vực giao thông vận tải… Đặc biệt, vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh được đặc biệt quan tâm. Điển hình là cử tri mong muốn tỉnh tạo điều kiện nhà ở công vụ cho các cán bộ đi làm xa, xây dựng trung tâm hành chính thông minh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sớm giải quyết chế độ cho cán bộ tự nguyện nghỉ việc, nghỉ hưu…

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri
ẢNH: THANH DUY
Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ hợp nhất thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV có khối lượng công việc lớn. Quan trọng nhất là việc sửa đổi, bổ sung 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 để phục vụ cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Nếu nhân dân đồng ý, Quốc hội biểu quyết thông qua, cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động, đất nước còn 34 tỉnh thành; trong đó Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ hợp nhất thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi sáp nhập, TP.Cần Thơ sẽ có dân số hơn 4 triệu người, đảm bảo điều kiện mở rộng không gian phát triển. Điều này sẽ tạo ra nguồn lực cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Về vấn đề trụ sở dôi dư, Hậu Giang phải ưu tiên số 1 cho giáo dục, thứ 2 cho y tế, thứ 3 cho sinh hoạt (văn nghệ, văn hóa), dứt khoát không để trụ sở bỏ hoang, bỏ trống, gây lãng phí công năng. Nếu TP.Cần Thơ là trung tâm chính trị thì Hậu Giang có thể trở thành trung tâm về du lịch, nông nghiệp, văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo
ẢNH: THANH DUY
Song song với việc sắp xếp, sáp nhập, Hậu Giang vẫn phải đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, không để gián đoạn, trì trệ. Năm nay, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh phải phấn đấu tăng trưởng hơn 8%. Thời điểm này, các xã, phường của Hậu Giang cần phải phát động mạnh mẽ phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn. Tỉnh cần giải ngân hiệu quả các công trình trọng điểm, trong đó có các tuyến cao tốc đi qua địa bàn.
Về mục tiêu xa hơn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn Hậu Giang ưu tiên đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỉnh có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, phải xem đó là tiền đề để đẩy mạnh hơn nữa việc nâng chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Việc nữa là tích cực tiếp cận trí tuệ nhân tạo, phấn đấu mỗi người dân và doanh nghiệp đều có trợ lý ảo. Để tới đây, việc giải quyết thủ tục hành chính hay hội họp không còn cần giấy tờ, chỉ cần điện thoại thông minh.