Phần bảo vệ nạn nhân bị bạo lực về tinh thần chưa rõ
Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều, xây dựng mới 17 điều, bỏ 3 điều; tăng 16 điều so với Luật hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở của Công an cấp xã.
Đồng thời, rà soát để giữ lại các quy định đang thực hiện ổn định, phù hợp với thực tế, tránh việc sửa đổi không cần thiết, chưa được đánh giá hiệu quả.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc trình sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngay đầu nhiệm kỳ thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hậu quả của bạo lực gia đình cả về thể chất và tinh thần rất lớn, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.
Đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong chủ trì, phối hợp thực hiện công tác này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề nếu không phát hiện, xử lý kịp thời thì trách nhiệm thuộc về ai, và nếu không rõ thì khó phân định khi hậu quả vụ việc xảy ra rất nghiêm trọng.
“Anh nào cũng lo mà không rõ trách nhiệm thì có khi không bằng một anh lo. Phần nhiều các trường hợp bạo lực gia đình là do báo chí phát hiện”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Góp ý về nội dung dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phần bảo vệ nạn nhân bị bạo lực về tinh thần, bạo lực tình dục chưa rõ, trong khi dày vò về tinh thần nhiều khi còn nặng nề hơn thể chất.
Dẫn ý kiến việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội nói: “Nhiều trường hợp có thai không theo ý muốn là mấy ông chồng hành hạ khủng khiếp lắm. Tình trạng mẹ kế bạo hành con riêng của chồng, rồi bố dượng, người tình xâm hại, bạo hành con riêng của vợ là rất nhiều, gây bức xúc xã hội nên các ngành tư pháp cần đặc biệt quan tâm đối tượng này".
Yêu cầu con học đến 2-3 giờ sáng, luôn phải điểm 10 là bạo lực gia đình?
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đầu tạo Nguyễn Kim Sơn nêu hiện tượng cha mẹ kỳ vọng quá lớn vào con cái dẫn đến yêu cầu các cháu phải học đến 2-3 giờ sáng cũng như mong muốn con cái cứ phải được điểm 10.
Nhiều trẻ em phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ, trở thành hãnh diện của cha mẹ đã tạo ra áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em. Do đó dự thảo cần diễn đạt rõ hơn về việc không gây áp lực quá lớn trong lao động và học tập.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nếu như quy định điều cấm về hành vi bỏ rơi cha mẹ, người già không chăm sóc, bỏ rơi trẻ em thì cũng nên cân nhắc, xem xét với những hành vi như cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con hay trách nhiệm phối hợp với nhà trường có phải là bạo lực gia đình.
"Bên cạnh nuôi thì còn có dạy nhưng lại bỏ không dạy, và thứ nữa là dạy thái quá thì cần xem là bạo lực với học sinh", ông Sơn nêu ý kiến.