Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P mới đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên BB+. Việt Nam là một trong hai quốc gia hiếm hoi ở khu vực châu Á Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm từ đầu năm đến nay.
Việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam thể hiện triển vọng trong vòng 12 – 24 tháng tiếp theo, nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua khó khăn sau đại dịch. S&P cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 khoảng 6,9%, trong khi đó thị trường chứng khoán cũng đang bước vào quá trình phục hồi sau giai đoạn thanh lọc và phát triển theo chiều sâu.
Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó có văn bản hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch New York về hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
3 vấn đề Việt Nam cần giải quyết để được nâng hạng
Nhắc đến vấn đề nâng hạng, nhiều chuyên gia cho rằng TTCK Việt Nam đã thay da đổi thịt nhưng vẫn khoác trên mình chiếc áo chật chội.
Ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán MB cho biết: "Về mặt định lượng, quy mô và thanh khoản của TTCK Việt Nam đã nằm trong top đầu của ASEAN. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã vượt Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan. Tuy nhiên, các chỉ tiêu định tính như số lượng doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng anh, vấn đề thao túng, làm giá, xếp hạng tín nhiệm, ngoại hối,… còn đang gặp khó khăn".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup cho rằng hạ tầng công nghệ thông tin cũng là tiêu chí quan trọng, như MSCI có đề cập trong báo cáo gần đây. Ông kỳ vọng Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ sớm triển khai và nâng cấp hệ thống KRX như kế hoạch đưa ra.
Mặc dù nhận được sự hỗ trợ lớn từ nước ngoài, Giám đốc MBS chỉ ra 3 vấn đề kỹ thuật lớn mà TTCK Việt Nam cần phải đối mặt liên quan đến tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất là việc triển khai các sản phẩm cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Thứ hai là giải pháp về mặt refunding, nghĩa là NĐT nước ngoài có thể mua và bán chứng khoán khi không có tiền và hàng. Thời gian tới nếu VSD có thể hạ tỷ lệ ký quỹ (hiện tại là 100%) xuống 20 – 30% thì có thể kích thích được thanh khoản. Thứ ba là vấn đề tài khoản tổng (Omnibus Account), cho phép NĐT nước ngoài giao dịch bằng các tài khoản ẩn danh.
Quy mô thị trường ít nhất tăng gấp đôi, đón dòng vốn ngoại gần 70 tỷ USD
Thời gian tới nếu Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, Việt Nam sẽ được xem xét vào các quỹ như MSCI hay FTSE, tuy nhiên sẽ có những tiêu chí riêng.
Theo ông Hà, khi tham gia vào một sân chơi lớn hơn, mình không thể tự nói tốt về mình và phải tìm đến những công ty xếp hạng tín nhiệm để được đánh giá khách quan. Việc S&P nâng hạng tín nhiệm là một tín hiệu rất tốt cho thị trường Việt Nam. Còn ở góc độ công ty chứng khoán, vấn đề minh bạch được đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, chính những doanh nghiệp niêm yết còn tồn tại nhiều vấn đề. Chủ tịch FiinGroup nhận định thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp mặc dù không có hiện tượng làm giá nhưng lại đối mặt với rủi ro vỡ nợ trái phiếu.
Vậy nên việc minh bạch xếp hạng tín nhiệm và công bố đại chúng năng lực đáp ứng nghĩa vụ tài chính của một doanh nghiệp là một vấn đề quan trọng. Những doanh nghiệp có lãnh đạo thực sự hiểu tầm quan trọng của chiến lược vốn trong dài hạn thì mới nghĩ đến việc xếp hạng tín nhiệm.
"Câu chuyện nâng hạng phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo còn các vấn đề hạ tầng kỹ thuật không phải vấn đề lớn. Việt Nam trong cuộc chơi “hạng cân nhẹ” thì quy mô vốn nhận được rất ít. Còn khi được tham gia vào cuộc chơi tầm trung với quy mô vốn của thị trường mới nổi khoảng 6.800 tỷ USD, chỉ cần nhận được 1% vốn đã rơi vào khoảng 68 tỷ USD".
Việc nâng hạng không chỉ phục vụ nhà đầu tư nước ngoài mà còn phục vụ chính 5,2 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân. Nhìn vào các thị trường như Quatar hay Pakistan, quy mô ít nhất tăng gấp đôi về cả chỉ số, thanh khoản và định giá.