Ngày 6/4 vừa qua, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh về rà soát hồ sơ của dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 phố Trần Phú (quận Ba Đình) của Cty CP thiết bị Bưu điện (Postef - mã chứng khoán POT).
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công, rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình này.
Theo tài liệu cuộc họp đại hội cổ đông doanh nghiệp tổ chức hồi giữa tháng 3/2022, Postef cho biết đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục khởi công Dự án Công trình đa chức năng 61 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội để chuẩn bị khởi công trong năm nay.
Công trình tại 61 phố Trần Phú (Ba Đình) tạm thời dừng thi công để rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch
Đây là dự án công trình đa chức năng thương mại, văn phòng, khách sạn cao 11 tầng nổi, 1 tầng tum (chiều cao tối đa 42,9m), 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329,5m2 có tổng mức đầu tư 1.574,5 tỷ đồng và được triển khai từ năm 2012. Liên danh với Postef thực hiện Dự án còn có Công ty CP Liên Việt Holdings và Công ty CP Him Lam.
Sau chỉ đạo của Bí thư Hà Nội để xem xét những sai phạm (nếu có) tại dự án này, Postef cũng đã tạm dừng các hạng mục thi công.
Theo tìm hiểu Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện Postef chủ sở hữu khu “đất vàng” hơn 9.000 mét vuông là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).
Hiện VNPT sở hữu 50% vốn của Postef. Hai cổ đông lớn khác là bà Nguyễn Thị Bích Hồng (7,7%) và Chứng khoán Liên Việt - LVS (11,3%). Được biết bà Hồng là chủ tịch của LVS - tổ chức có nhiều liên quan đến 2 đối tác thực hiện dự án khu phức hợp 61 Trần Phú.
Báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán của Postef cho biết trong năm vừa qua doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng tăng hơn 47 tỷ đồng so với năm 2020 lên 1.127 tỷ đồng.
Do giá vốn bán hàng cũng tăng với số tiền tương ứng nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của POT chỉ tăng chưa đầy 1 tỷ đồng so với năm 2020 lên 143,4 tỷ đồng.
Trong năm vừa qua, chi phí tài chính của POT ghi nhận giảm hơn 4 tỷ đồng còn 33,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gần 6 tỷ đồng lên 62,4 tỷ đồng.
Trừ các khoản chi phí, POT ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 16,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 17,4 tỷ đồng trong năm 2020.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, POT báo lãi 13,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với lãi sau thuế 18,1 tỷ đồng trong năm 2020.
Kết thúc năm 2021, POT có tổng cộng nguồn vốn là hơn 2.313 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với tổng cộng nguồn vốn 2.097 tỷ đồng của đầu năm.
Trong đó, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ 1.768 tỷ đồng (đầu năm) lên 1.985 tỷ đồng vào cuối năm. Nợ ngắn hạn chiếm 980 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của POT giảm gần 40 tỷ còn 541 tỷ đồng.
Nợ dài hạn của doanh nghiệp tăng từ 827 tỷ đồng lên hơn 1.004 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng tăng từ hơn 49,6 tỷ đồng lên 99,1 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính 2021, Postef có vốn chủ sở hữu 328,2 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của POT đang gấp hơn 6 lần.
Dù bị tạm dừng thi công công trình tại 61 Trần Phú, nhưng cổ phiếu POT của CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef) vẫn tăng trần phiên thứ 4 liên tiếp trong phiên giao dịch ngày 7/4 để lên mức giá 27.600 đồng/cổ phiếu. Với biên độ xấp xỉ 10%/phiên, sau 4 phiên đầu tuần, POT đã tăng tới 45%.