Doanh nghiệp

Chủ quản The Coffee House lỗ lũy kế gần 1.200 tỷ đồng

Nửa đầu năm nay, Seedcom ghi nhận doanh thu phục hồi 24% so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 675 tỷ đồng. Tuy vậy, giá vốn bán hàng tăng mạnh đến gần một nửa khiến biên lợi nhuận gộp giảm 16% về mức 46,5%. Công ty lãi gộp hơn 314 tỷ đồng.

Nhóm các chi phí thường xuyên nhìn chung không tăng quá mạnh, chủ yếu là chi phí lãi vay. Seedcom tốn gần 9,4 tỷ đồng để trả lãi cho 7 lô trái phiếu tổng trị giá 1.300 tỷ đồng. Chi phí ít biến động nhưng tổng cộng lại cao gấp 1,8 lần lợi nhuận gộp. Vì thế, doanh nghiệp này lỗ sau thuế hơn 287 tỷ đồng, tăng thêm 11% so với cùng kỳ 2021. Con số trên vượt lỗ cả năm 2021 đến hơn 20%. Seedcom chỉ bắt đầu công bố báo cáo tài chính từ năm 2020.

Tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn trong 6 tháng đầu năm nay khiến lỗ lũy kế của công ty này nâng lên mức hơn 1.179 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với hồi đầu năm.

Chia sẻ với VnExpress, CEO Nguyễn Hoành Tiến lý giải khoản lỗ nửa đầu năm nay chủ yếu đến từ hai nguồn. Thứ nhất công ty tăng đầu tư, mở rộng vào mảng B2B gồm Haravan - giải pháp quản lý bán hàng đa kênh, iPOS - giải pháp bán hàng chuyên F&B, CPG - đơn vị mới chuyên phân phối hàng tiêu dùng giữa Việt Nam và thế giới. Cả ba đơn vị đang phát triển thêm nhà buôn (merchant) để nắm cơ hội thị trường. Bên cạnh đó, lợi nhuận đi lùi còn do tiền khấu hao của mảng bán lẻ, kết quả của việc phát triển cửa hàng trong những năm gần đây.

"Nhìn chung việc Seedcom lỗ nhiều hơn năm trước là hệ quả của đầu tư tăng trưởng. Đến nửa cuối năm nay, chắc chắn kết quả tài chính sẽ tốt hơn khi kết quả kinh doanh khả quan hơn nữa", ông Tiến khẳng định.

Từ năm ngoái đến nay, công ty mẹ của The Coffee House thực hiện một số thay đổi về chiến lược hoạt động và tái cấu trúc các đơn vị thành viên, cắt giảm các danh mục đầu tư không còn phù hợp. Mới đây, Chủ tịch Đinh Anh Huân cho biết Seedcom đặt kế hoạch tăng trưởng 500% cho giai đoạn 2022-2025. Ngay trong năm sau, công ty dự kiến có lợi nhuận.

Thời gian qua, Seedcom thành lập New Retails CPG để xây dựng những sản phẩm, thương hiệu mà công ty tin rằng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu như cà phê, quần áo, giày dép, phần mềm... Đơn vị này cũng là trung gian phân phối sản phẩm từ các nước mà người tiêu dùng Việt có nhu cầu sử dụng cao nhưng không có lợi thế sản xuất nội địa. Bên cạnh đó, Seedlog cũng được thành lập để vận hành hệ thống kho bãi và vận tải cung ứng dịch vụ quản trị hàng hóa cho toàn hệ sinh thái.

Seedcom được thành lập năm 2014 với mục tiêu phát triển mô hình bán lẻ kiểu mới (new retail) - ứng dụng công nghệ ngành bán lẻ và sản xuất để mang đến trải nghiệm xuyên suốt từ online đến offline.

Doanh nghiệp này không chỉ đầu tư tài chính mà còn tham gia vào vận hành, phát triển sản phẩm và dịch vụ tại các công ty trong hệ sinh thái. Đến nay, Seedcom đang điều hành nhiều thương hiệu như The Coffee House, AhaMove, Giao Hàng Nhanh, Juno, Hnoss, Kingfoodmart, Haravan...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm