Bất động sản

Chủ nhà trọ mong sớm lấp đầy phòng sau Tết

Ngồi tính toán tiền nong dịp cuối năm, Kỳ Hoa - chủ nhà trọ tại TP Thủ Đức (TP HCM) - ngao ngán khi nhìn lại khoản lỗ hàng chục triệu đồng năm 2021. Con số này rất lớn với một người trẻ vừa mới tốt nghiệp đại học.

Năm ngoái, Hoa cùng một người quen góp vốn kinh doanh nhà trọ theo mô hình thuê nhà nguyên căn rồi ngăn phòng, trang bị đầy đủ nội thất để cho thuê lại với giá dao động 2,7-4,2 triệu đồng một tháng. Khởi nghiệp mùa dịch, nhà trọ 6 phòng của Hoa có đủ khách thuê ngay trong tháng đầu khai trương. Liên tiếp qua ba đợt bùng phát Covid-19, tỷ lệ lấp đầy luôn đạt trên 70%. Nhưng với đợt giãn cách xã hội kéo dài suốt quý III/2021, chỉ còn duy nhất một phòng có khách thuê.

Hoa kể, lúc trước việc kinh doanh nhà trọ ổn định, cả hai chỉ cần lo phần đăng ký tạm trú, quản lý, kết nối các khách trọ với nhau và thu tiền mỗi tháng. Hiện tại, Hoa phải bỏ nhiều công sức cho việc tìm khách thuê, tốn kém thời gian và tiền bạc hơn rất nhiều lần.

"Áp lực lớn nhất vẫn là khoản tiền cố định bắt buộc phải đóng cho chủ nhà. Mỗi tháng, tôi đều tim đập chân run khi trông chờ quyết định của chủ nhà về việc giảm tiền thuê", Hoa chia sẻ và kể thêm, nếu không nhờ chủ nhà hỗ trợ, khoản tiền lỗ có thể lên đến gần trăm triệu đồng.

Có tỷ lệ lấp đầy lớn hơn, khoảng 50% trong cao điểm giãn cách 2021, nhà trọ có 40 phòng của ông Hạnh (quận 7, TP HCM) không chịu áp lực quá nhiều về tài chính. Tuy nhiên, trong đợt dịch năm ngoái, nhiều khách thuê đề xuất giảm tiền trọ hàng tháng, ông phải tính toán, cân đối dòng tiền để hỗ trợ. Giá thuê các phòng dao động từ 1,8-3,2 triệu đồng một tháng, ông quyết định giảm 500.000 đồng một phòng cho tháng đầu tiên và 200.000 đồng mỗi tháng tiếp theo.

"Dẫu vậy, nhiều khách trọ vẫn trả phòng trước hạn hợp đồng. Một số sinh viên sau khi về quê lại quỵt luôn tiền phòng nợ trước đó", ông kể.

Một khu nhà trọ ở quận 12, tháng 9/2021. Ảnh: Hà An

Một khu nhà trọ ở quận 12, tháng 9/2021. Ảnh: Hà An

Chia sẻ với VnExpress, đại diện Chợ Tốt Nhà cho biết, mọi năm thị trường nhà trọ tại TP HCM sôi động sau Tết (khoảng tháng 3), duy trì ổn định qua các tháng tiếp theo và thấp dần về cuối năm. Riêng năm ngoái, với sự ảnh hưởng của Covid-19, nguồn cung phòng trọ có nhiều biến động vào giai đoạn giữa năm bởi sự sụt giảm mạnh số lượng phòng cho thuê trong thời gian giãn cách xã hội. Nhìn chung, những phòng trọ ở các quận xa trung tâm sở hữu nguồn cung dồi dào và có giá thuê khoảng 1-3 triệu mỗi tháng, mới có lượng khách thuê liên lạc cao sau khi đăng tin.

Nhưng đến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, TP HCM bước vào bình thường mới, nguồn cung bắt nhịp trở lại và tạo đỉnh sóng thứ hai. Tỷ lệ tin đăng được liên hệ thuê đặc biệt cao vào những tháng cuối năm khi nhu cầu "an cư" của người dân tăng lên với hơn 99% phòng trọ được liên hệ thuê.

Thực tế, trong hai tháng cuối năm, 17 phòng đang trống trong số 30 phòng trọ của anh Minh (Gò Vấp, TP HCM) đón nhiều lượt khách ghé xem phòng. Khoảng 30% trong số này đã cọc trước tiền để giữ phòng qua Tết. Anh cho rằng, vị trí gần ba trường đại học có thể giúp 12 phòng trọ còn lại dễ tìm khách trong tháng 2.

Nhà trọ của Kỳ Hoa cũng bắt đầu đón khách thuê mới, nâng tỷ lệ lấp đầy lên 70%. Riêng hai phòng còn lại do có giá thuê 4 triệu đồng, diện tích 30 m2 nên thích hợp gia đình hoặc lao động trí thức thu nhập cao. Theo Hoa, nhóm này có tâm lý cẩn trọng với dịch bệnh hơn nên phải qua Tết mới quay lại TP HCM với số lượng nhiều.

"Tôi hy vọng năm nay tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, người lao động quay lại TP HCM, từ đó kích thích thị trường cho thuê trọ hồi phục. Nếu kịch bản xấu hơn, rất có thể tôi sẽ không cầm cự được", Kỳ Hoa chia sẻ.

Kỳ vọng của các chủ nhà trọ cũng trùng khớp với dự báo thị trường phục hồi sau Tết. Số liệu thực tế trên Chợ Tốt Nhà cho thấy, nhu cầu tìm kiếm phòng trọ sau dịp lễ lớn thường tăng gấp đôi so với 2 tháng trước đó.

Thị trường nhà trọ được hưởng lợi nhờ nhu cầu quay lại thành phố của nhóm người lao động về quê do dịch và nghỉ Tết. Theo khảo sát của đơn vị này, số người lao động ước tính quay lại khu vực TP HCM vào khoảng 350.000 người. Sau Tết, nhu cầu thuê mới cũng tăng lên do quá trình nhập học trực tiếp tại trường của sinh viên sau thời gian dài bị gián đoạn do dịch bệnh. Việc này kéo theo nhu cầu cần tìm phòng trọ của khoảng 180.000 sinh viên.

Đại diện Chợ Tốt Nhà cho rằng, những phòng trọ gần các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất và tập trung trường nhiều trường đại học như Thủ Đức, quận 9, quận 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận sẽ có chỉ số quan tâm cao nhất. Ngược lại, các quận huyện vùng ven như Nhà Bè, Hóc Môn nhận được ít sự quan tâm hơn. Theo dữ liệu từ Chợ Tốt Nhà, quận Phú Nhuận sẽ được người đi thuê quan tâm nhất, với mức tăng 76% so với tháng trước Tết.

Về mức giá, các phòng trọ nằm ở Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 10, quận 9, Phú Nhuận, quận 6, mức giá 1-5 triệu đồng một tháng chiếm đa số với hơn 86% nguồn cung. Trong đó, nhóm phòng dưới 3 triệu một tháng có lượng cầu cao hơn 58% so với phòng 3-5 triệu, dù nguồn cung không quá chênh lệch. Với phân khúc tiền thuê trên 5 triệu một tháng, số lượng phòng khá ít vì với cùng số tiền này, người thuê thường lựa chọn chung cư cũ hoặc ở ghép trong các căn hộ dịch vụ. Các phòng trọ trung - cao cấp sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh cao hơn rất nhiều so với phòng trọ giá rẻ.

Về tiện nghi, loại phòng cơ bản không nội thất vẫn chiếm ưu thế nhất bởi giá rẻ và cũng là loại phòng chiếm lĩnh hoàn toàn nguồn cung thị trường. Tuy nhiên, phòng có sẵn máy lạnh sẽ có chỉ số quan tâm khá cao. "Các chủ trọ có thể cân nhắc nâng cấp phòng trọ của mình và biến thành điểm mạnh để thu hút khách thuê, bởi nguồn cung phòng có máy lạnh hiện nay trên thị trường không ít có sự cạnh tranh", đại diện Chợ Tốt Nhà lưu ý.

Riêng mô hình ở ghép ký túc xá tư nhân, dù có lợi thế về giá rẻ, nhưng do tình hình dịch bệnh và sự khó khăn, thiếu kinh nghiệm trong cách vận hành, nguồn cung của loại hình này rất ít. Mức độ quan tâm của thị trường cũng thấp hơn nhiều so với các loại phòng khác.

Ngoài ra, theo khảo sát từ Chợ Tốt Nhà, 60% người đi thuê sợ thông tin phòng trọ và chủ nhà không rõ ràng, 35% cho rằng số tiền cọc ban đầu khá lớn và 25% sợ mất tiền cọc. Vì vậy, chủ nhà trọ có thể cân nhắc hỗ trợ tiền cọc để hút thêm khách thuê hoặc tham gia các dịch vụ hỗ trợ tiền cọc bên thứ ba.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm