Theo TS Lê Xuân Nghĩa, bất động sản là thị trường có sự tăng trưởng lớn nhất và ngày càng nóng. Song, về giá trị sử dụng vẫn không thay đổi, một miếng đất 10m2 từ năm 1990 đến nay vẫn giữ nguyên 10m2 nhưng giá trị đã khác nhau, chỉ có tiền “đổ” về đây ngày càng tăng. Ông Nghĩa cho rằng tiền là vấn đề rất gay go đối với thị trường.
Ông lấy ví dụ ngôi nhà liền kề 100m2 ông mua vào năm 1990 với giá 56 triệu đồng/mảnh nhưng bây giờ căn nhà đó được trả với giá 20 tỷ đồng. Như vậy, để thấy được tốc độ tăng giá bất động sản quá "khủng".
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, giá nhà tăng cao trong khi có hàng nghìn dự án bất động sản đang đắp chiếu
Vị chuyên gia dẫn chứng, nhiều dự án tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh, có dự án tăng hơn 30%. Đơn cử, hai dự án mới ở gần Khu đô thị Ciputra Hà Nội đã có giá bán lên tới 280 triệu đồng/m2, Khu Ngoại giao đoàn cũng lên tới 100 – 120 triệu đồng/m2…
“Với giá nhà như ở thời điểm hiện tại, xin được hỏi là phải mất bao nhiêu lâu thì những người làm công ăn lương mới có thể mua được nhà”, ông Nghĩa nói.
Vậy “bong bóng” chung cư khi nào sẽ nổ? Ông Nghĩa cho rằng, khi cầu tiếp tục tăng do đầu cơ, cung đột ngột chững lại, do hết dự án, do người có chung cư nhưng không bán vì đợi giá lên nữa, đường cung và đường cầu không còn gặp nhau. Áp lực về vay nợ ngân hàng và thanh khoản sẽ là mồi lửa làm thị trường sụp đổ, đóng băng và phá sản.
Trong khi đó, theo khảo sát của vị này, có hàng nghìn dự án bất động sản đang đắp chiếu, khoảng 60% trong số này là chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, còn lại là khó khăn về thủ tục pháp lý...
Chia sẻ của TS Lê Xuân Nghĩa sau khi được đăng tải trên các trang diễn đàn, đã thu hút ý kiến bình luận của cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, hơn 30 năm việc tăng giá như vậy cũng là dễ hiểu: “Sau hơn 30 năm thu nhập bình quân của chúng ta cũng tăng lên nhiều, nhu cầu về nhà ở cũng tăng cao, nên việc tăng giá nhà đất như vậy cũng là điều dễ hiểu”.
Một số khác thì cho rằng, với đa số người dân nếu họ dùng tiền tích lũy thì thời điểm đó cũng khó có thể mua một lô đất, nên dù biết giá đất tăng, đa số người dân vẫn lựa chọn mua vàng thay vì mua đất, bởi “khi có ít tiền, bạn chỉ có thể mua được 1 chỉ vàng chứ không thể mua một vài mét đất”, “Biết thế tôi dành tiền tiết kiệm mua BĐS, giờ đã giàu rồi”...
Giá nhà đất tăng quá nhanh khiến nhiều người dân tỏ ra lo ngại
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, đa số các ý kiến đồng thuận cho rằng, hiện giá nhà đất đang quá cao so với thu nhập của người dân. Với mức giá nhà ở cao như vị chuyên gia dẫn chứng ở trên thì giới trẻ sẽ rất khó có cơ hội sở hữu nhà ở...
Nói thêm về giá nhà ở thời gian qua, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cũng nhìn nhận, trong những tháng đầu năm thị trường ghi nhận hiện tượng giá căn hộ chung cư, đất nền, thổ cư tăng chóng mặt, cục bộ ở một số khu vực. Ông Đính cho rằng không thể phủ nhận việc tăng giá có xuất phát từ thực tế thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn mà mới có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân chưa thực sự ổn định trở lại mà giá bất động sản tăng mạnh là hiện tượng bất thường, có dấu hiệu của "bong bóng".
“Mức giá tăng nóng trong thời gian ngắn không có cơ sở để nhận định là dấu hiệu tốt, mà chúng đã tác động, tạo ra những thông tin nhiễu loạn từ những nhóm đầu cơ đẩy giá, thổi giá, nhằm chuộc lợi.
Do đó, các khách hàng mua và nhà đầu tư cần tỉnh táo lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và pháp lý đảm bảo, tuyệt đối không lao theo các cơn sốt, phong trào đám đông”, ông Đính lưu ý.
Bên cạnh đó, ông Đính cũng cho rằng các chủ đầu tư cần nghĩ đến tình hình thị trường chung, điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý và kiểm soát chặt chẽ các kênh phân phối, để không gây ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của thị trường.