Bất động sản

Chờ tháo nút thắt để xây nhà

Tóm tắt:
  • Nhiều người dân tạm hoãn xây nhà để chờ tháo gỡ vướng mắc về khoảng lùi theo Quyết định 56/2021.
  • Quyết định 56/2021 không còn phù hợp, gây thiệt thòi cho người dân về diện tích xây dựng.
  • Quy định về khoảng lùi làm nhiều gia đình bỏ hoang đất đai không sử dụng.
  • Thành phố đang rà soát và dự kiến điều chỉnh quy định vào quý I/2025 để phù hợp thực tiễn.
  • Người dân hy vọng thời gian điều chỉnh được rút ngắn hơn để có thể xây dựng nhà ở.

Có hiệu lực từ năm 2022, đến nay, Quyết định 56/2021 của UBND TP HCM về quy chế quản lý kiến trúc được đánh giá có nhiều điểm không còn phù hợp thực tiễn, ảnh hưởng quyền lợi người dân cũng như mỹ quan đô thị.

Nhiều người sốt ruột

Ông N.V.T, ngụ quận Bình Tân, cho hay năm 2024, kế hoạch xây nhà của gia đình ông bị đình trệ do vướng mắc về xây dựng tầng hầm. Sau đó, thành phố ban hành Quyết định 3804/2024, tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở riêng lẻ được xây tối đa 1 tầng hầm để bố trí tầng kỹ thuật, bãi đậu xe.

Tuy vậy, ông T. vẫn phải chờ đợi tháo gỡ vướng mắc liên quan quy định khoảng lùi trong Quyết định 56/2021. Theo ông, quy định chừa khoảng lùi tại khu dân cư hiện hữu không mang nhiều ý nghĩa về quản lý mà còn khiến người dân thiệt thòi bởi diện tích xây dựng giảm. Nghe phong thanh thành phố dự kiến hoàn thành điều chỉnh quyết định này trong quý I/2025, gia đình ông thống nhất dừng xây nhà để chờ đợi.

Cũng vì vướng một số nội dung trong Quyết định 56/2021, gia đình chị N.T.H (TP Thủ Đức) đến nay vẫn bỏ hoang khu đất dài 12 m, diện tích hơn 50 m2 trong khu dân cư. Trước đó, thấy nhiều hộ xây dựng công trình 1 trệt, 3 lầu và xây hết đất, chị xin giấy phép thì được yêu cầu phải chừa trước 2,4 m và lùi sau 1 m. Thấy diện tích xây dựng hạn chế, không đáp ứng nhu cầu của gia đình nên chị đành thôi.

Tương tự ông T. và chị H., nhiều người có đất cũng phải hoãn kế hoạch xây nhà. Ngày 30-3, thời điểm sắp hết quý I/2025, nhiều bạn đọc tiếp tục phản ánh đến Báo Người Lao Động là đã chờ đợi rất lâu nhưng chưa thấy thành phố điều chỉnh quy định nêu trên.

Chờ tháo nút thắt để xây nhà- Ảnh 1.

Đất đai để trống tại một khu dân cư hiện hữu ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM

Những đề nghị sát sườn

Thực tế, nhận thấy sau hơn 1 năm đi vào đời sống, Quyết định 56/2021 bộc lộ không ít bất cập nên tháng 6-2023, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo rà soát, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức. Từ đó, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đề xuất điều chỉnh.

Hơn 1 năm sau, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (nay là Sở Xây dựng) nhận được 18 văn bản từ các đơn vị với gần 120 nội dung đề nghị bổ sung, làm rõ, điều chỉnh về mật độ xây dựng, tầng cao, chiều cao, khoảng lùi, bộ phận kiến trúc công trình như ban công, tầng hầm, tầng lửng… và đề nghị xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại khu vực dân cư xây dựng mới.

Theo Quyết định 56/2021, với lô đất diện tích lớn hơn 50 m2, chiều dài trên 16 m thì công trình phải bố trí khoảng lùi so với ranh đất sau tối thiểu 2 m; chiều dài 9-16 m phải bố trí khoảng lùi tối thiểu 1 m.

Trường hợp chiều dài dưới 9 m thì khuyến khích tạo khoảng trống phía sau nhà.

Trong đó, UBND quận 12 đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy chế quản lý kiến trúc áp dụng đối với khu vực quy hoạch đất dân cư dự kiến, dân cư xây dựng mới làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng. UBND quận 3 đề nghị bổ sung quy định về khoảng lùi của tầng mái che thang. Quận 3 còn đề nghị bỏ khoảng lùi sau đối với nhà ở quận trung tâm, đô thị hiện hữu; chỉ áp dụng đối với các khu quy hoạch mới.

UBND quận Tân Bình đề nghị xem xét, chỉnh sửa quy định về khoảng lùi xây dựng so với ranh đất phía sau theo hướng khuyến khích, không bắt buộc khoảng lùi sau đối với khu đô thị hiện hữu. Đồng quan điểm, UBND quận Gò Vấp cũng đề xuất đối với quản lý khoảng lùi trong xây dựng phía sau, chỉ áp dụng ở khu vực xây dựng mới hoặc khu đô thị mới.

UBND quận Bình Thạnh thì đề nghị cơ quan tham mưu trả lời rõ khoảng lùi áp dụng đối với trường hợp xây dựng mới hay cả trường hợp cải tạo, sửa chữa. Đề nghị từ UBND quận 5 là xem xét quy định về khoảng lùi xây dựng công trình đối với nhà có diện tích từ 50 m2 trở lên. UBND quận 11 đề nghị đối với trường hợp chiều dài khu đất dưới 16 m thì khuyến khích tạo khoảng trống phía sau nhà...

Hy vọng

Cơ quan tham mưu cũng nhận thấy quy chế quản lý kiến trúc tồn tại một số hạn chế, bất cập, cần xem xét điều chỉnh, bổ sung và cập nhật những nội dung mới cho phù hợp thực tiễn, đồng bộ nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. 

Trong đó, nhóm nội dung được nhắc đến đầu tiên là vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai quy chế, như: khoảng lùi công trình, cách xác định mật độ xây dựng đối với trường hợp xây mới và phần cải tạo, sửa chữa.

Vào tháng 9-2024, Thường trực HĐND TP HCM giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn đối với Sở Xây dựng. Khi đó, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết UBND thành phố đã chấp thuận điều chỉnh, bổ sung Quyết định 56/2021. Cơ quan tham mưu lấy ý kiến của các địa phương, chuyên gia, hội liên quan, dự kiến hoàn chỉnh và trình UBND TP HCM trong quý I/2025.

Đến nay, về tiến độ điều chỉnh Quyết định 56/2021, theo Sở Xây dựng TP HCM, cơ quan chức năng vẫn đang rà soát trên toàn địa bàn, tiếp tục lấy ý kiến của sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức và thực hiện công tác hiệu chỉnh trong khi chờ đồ án quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được phê duyệt.

Dự kiến, việc điều chỉnh, thay thế Quyết định 56/2021 sẽ hoàn thành trong quý III/2025… Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân bày tỏ hy vọng mốc thời gian này được rút ngắn hơn. 

Các tin khác

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Dự báo vàng tăng lên 200 triệu đồng/lượng, điều gì xảy ra?

Giá vàng trong nước sáng nay (31/3) tăng lên trên mốc 101,5 triệu đồng/lượng, phá vỡ kỷ lục lập trước đó. Chuyên gia cho rằng, về dài hạn, nhiều dự báo vàng có thể lên đến 3.500 USD/ounce, thậm chí 4.000 USD/ounce. Với mức duy trì trong nước và thế giới chênh nhau từ 4-5 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước có thể lên tới 150-200 triệu đồng/lượng.