Trả lời:
Người có vết thương hở ở miệng, đang bị nhiệt miệng, loét lưỡi... như trường hợp này, khi bị chó mèo liếm vào có thể lây nhiễm virus dại.
Vùng miệng có lớp màng mỏng bên trong khoang miệng, gọi là niêm mạc. Virus dại có thể xâm nhập vào cơ thể qua các lớp niêm mạc này, sau đó di chuyển theo các dây thần kinh, tấn công lên hệ thần kinh trung ương. Đây là đường lây nhiễm dại thường gặp ở trẻ nhỏ và người hay nô đùa với thú cưng.
Ngoài ra, bệnh dại còn có thể lây truyền khi được ghép giác mạc và nội tạng của người bị bệnh dại hoặc hít phải không khí có virus dại.
Hiện bệnh không có thuốc đặc trị, khi phát bệnh 100% người và vật nuôi đều tử vong. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong vì dại và nhiều ổ dịch dại.

Vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó liếm vào vùng miệng. Ảnh minh họa: Vecteezy
Nếu bị chó liếm vào miệng, người bệnh nên súc miệng ngay bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn như nước muối sinh lý. Bạn cần đến trạm y tế hoặc trung tâm tiêm chủng để được khám, tư vấn và tiêm vaccine dại kịp thời.
Nếu chưa từng tiêm vaccine, người có nguy cơ cần tiêm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 8 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm huyết thanh kháng dại, huyết thanh và vaccine uốn ván dựa trên tình trạng vết thương, lịch sử tiêm chủng. Số mũi vaccine dại phù hợp được chỉ định căn cứ vào tình trạng vết thương và việc theo dõi được con vật trong 10 ngày.
Ngoài ra, mọi người có thể chủ động tiêm dự phòng vaccine trước phơi nhiễm với ba mũi vào các ngày 0-3-21 hoặc ngày 28, tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi bị chó, mèo cắn, cào, dù vết thương nặng, mọi người chỉ tiêm thêm 2 mũi vaccine và không cần dùng huyết thanh.
(Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC)