Giảm 79%
Theo dữ liệu của FinGroup, tính đến hết tháng 6/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giá trị phát hành đạt 27.800 tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, giảm hơn 28% so với tháng trước và giảm gần 72% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180.000 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ.
So với quý I/2022, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý II tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý I, tương ứng với giá trị gần 8.600 tỷ, giảm sâu tới 79% so với quý trước.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý II/2022 tiếp tục suy giảm.
Tương tự, thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng cho thấy, tính đến ngày 1/7, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có một đợt phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 100 triệu USD của Tập đoàn Vingroup và 44 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6 với giá trị là 30.120 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng thương mại hiện đứng đầu về giá trị phát hành với 27.285 tỷ đồng, lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là 5,16%/năm. Ngân hàng BIDV phát hành nhiều nhất với 10.655 tỷ đồng, tiếp theo sau là Techcombank 7.000 tỷ đồng và Ngân hàng MB 2.730 tỷ đồng.
Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai, phát hành 1.245 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất trung bình 7,23%/năm. Trong đó, Công ty Tài Chính TNHH Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC chiếm phần lớn với 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm sau 3 đợt phát hành.
Chờ đợi cơ chế
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup, ngành bất động sản đang gặp nhiều thách thức như bối cảnh vĩ mô có nhiều khó khăn, thanh khoản giao dịch căn hộ chưa thể phục hồi như trước dịch, triển khai dự án chậm do dịch COVID-19 và các các chính sách thay đổi, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản ở mức cao trong bối cảnh nguồn vốn cho bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ, sức khỏe tài chính của các nhà phát hành bất động sản có triển vọng kém tích cực.
Ngành bất động sản đang gặp nhiều thách thức như bối cảnh vĩ mô có nhiều khó khăn, thanh khoản giao dịch căn hộ chưa thể phục hồi. |
|
Do đó, FiinGroup đã đưa ra 3 nhóm giải pháp và khuyến nghị cho thị trường trái phiếu bất động sản. Trong đó tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu mở quốc gia về dự án bất động sản, tăng cường minh bạch thông tin nhà phát hành và sản phẩm trái phiếu và cân nhắc sửa đổi quy định pháp lý theo hướng linh hoạt, nhằm đảm bảo sự vận hành thị trường vốn một cách có kiểm soát nhưng vẫn thông suốt, hiệu quả và góp phần hồi phục và phát triển kinh tế như mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn, báo cáo của VnDirect cho rằng, thị trường có thể trầm lắng trong 1-2 quý tới do đang chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách, pháp lý được cơ quan quản lý nhà nước ban hành trong thời gian tới; các doanh nghiệp phát hành, tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, công ty bảo hiểm), cần thời gian để thích ứng với những thay đổi mới về mặt chính sách, pháp lý khi các thông tư, nghị định mới đi vào hiệu lực.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân cần thêm thời gian để ổn định tâm lý, suy xét và đánh giá tình hình thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Về nhóm ngành, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của nhóm bất động sản sẽ giảm dần trong một vài quý tới và nhường dòng vốn cho những doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thiết yếu. Về dài hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch và phát triển bền vững hơn.