Chương trình truyền hình The Next Gentleman - Quý ông hoàn mỹ với bộ ba Mentor Hà Anh, Xuân Lan, Hương Giang cùng Host Dược sỹ Tiến đang ngày càng trở nên gay cấn khi đi vào hồi kết. Xuất hiện với tư cách Nhà tài trợ kim cương, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không khiến khán giả bất ngờ vì mức độ "chịu chơi" do ông lớn này trước đó vẫn luôn mở rộng hầu bao cho việc quảng cáo.
Hình ảnh của chương trình
Chi phí quảng cáo là "vũ khí" cạnh tranh thị phần của các hãng bia
Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 được Tổng cục Thống kê công bố, lượng tiêu thụ rượu bia tăng trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 đã tăng lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Điều này đồng nghĩa với trong năm 2020, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 126.542 triệu lít bia.
Sức hấp dẫn của thị trường khiến Euromonitor International gọi Việt Nam là "chiến trường tiếp theo của những nhà sản xuất bia". Tuy nhiên, sự hấp dẫn luôn đi kèm với cạnh tranh khốc liệt để giành giật từng phần nhỏ trong miếng bánh thị phần. Với những cái tên đứng đầu, dù vị thế đã được xác lập, nhưng để duy trì thị phần, các doanh nghiệp sản xuất bia mỗi năm phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng cho các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị.
Cuộc chiến trên bàn nhậu, thực sự là 1 cuộc đua "đốt tiền" quảng cáo, tiếp thị nhằm gia tăng nhận diện thương hiệu.
Điểm chung của 4 ông lớn trong làng bia Sabeco, Heineken, Habeco và Carlberg là chi phí quảng cáo, khuyến mãi đều chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu.
Với Heiniken, dù chưa từng công bố doanh số chi cho quảng cáo, nhưng có 1 thông tin mang tính chất tham khảo. Cụ thể, Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí Sài Gòn (SPSC) là đơn vị chuyên cung cấp nhân viên tiếp thị cho Heiniken VN. Năm 2016, việc Heineken ngừng hợp đồng khiến tổng doanh thu của SPSC mất hơn 123 tỷ đồng.
Với 2 ông lớnTổng Công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn ( Sabeco) và Tổng Công ty cổ phần NGK - Bia - Rượu Hà Nội (Habeco) do BCTC được công khai nên việc đánh giá khoản chi quảng cáo rõ ràng và có căn cứ hơn.
Nếu so theo số tuyệt đối, chi phí quảng cáo của Sabeco bỏ ra luôn lớn hơn nhiều so với Habeco. Trong 3 năm trở lại đây, trong khi chi phí quảng cáo của Sabeco tăng thì Habeco lại có diễn biến giảm chiều. Đặc biệt, năm 2021, nếu chi phí quảng cáo của Sabeco tăng 40% so với 2020 thì Habeco lại giảm 16%.
Tổng hợp từ BCTC của 2 DN
Khi xem xét đến hiệu quả thì Habeco đang có xu hướng tích cực dần lên từ 2018 đến nay khi tỷ lệ Chi phí quảng cáo/Doanh thu giảm dần, còn Sabeco theo chiều hướng ngược lại. Đến 2021, để bán được 100 đồng doanh thu, Sabeco phải bỏ ra hơn 8 đồng chi quảng cáo, còn Habeco chỉ phải bỏ ra hơn 5 đồng.
Tổng hợp và tính toán theo BCTC của 2 DN
Chi phí quảng cáo của Sabeco tăng nhanh trong năm 2021
Phân tích riêng "ông trùm" Sabeco, trong năm 2021, mỗi ngày bình quân công ty đã chi khoảng 6 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, khuyến mãi. Con số này đã tăng đến 40% so với năm 2020.
Doanh thu - Chi phí bán hàng - Chi phí quảng cáo (đvt: tỷ đồng) của Sabeco (Tổng hợp theo BCTC cty)
Lý giải về việc đầu tư vào quảng cáo và khuyến mãi, các chuyên gia nhận định rằng hiện tại có 2 nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng tiêu thụ rượu bia của thị trường.
Thứ nhất là sự ra đời của Nghị định 100 năm 2019. Theo đó, Nghị định quy định mức xử phạt hành chính rất nặng, tối đa lên đến 40 triệu đồng đối với xe ô tô và 18 triệu đồng đối với xe mô tô, nếu người cầm lái có chỉ số nồng độ cồn cao hơn quy định. Chính vì vậy, nhiều người sợ "thổi" một phát bay mất mấy chục triệu, từ đó họ cũng e ngại hơn trong những cuộc nhậu, kéo theo lượng bia tiêu thụ cũng sẽ giảm.
Thứ hai là tình trạng các bar, quán nhậu, nhà hàng,... bị đóng cửa nhiều vì dịch, mất hẳn 1 kênh bán "sung sức" của ngành bia rượu.
Có lẽ đó chính là lý do trong cả năm 2020 và 2021, Sabeco đã phải chi rất nhiều vào quảng cáo và khuyến mãi để lấy lại được phần doanh số bị sụt giảm vì 2 tác nhân trên. Năm 2022, Sabeco mở màn mùa hè sôi động với việc rót hầu bao tài trợ cho chương trình truyền hình thực tế Quý ông Hoàn Mỹ với giải thưởng tiền mặt 2 tỷ đồng cho Top 3.