Thời sự

"Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng hơn trong nửa cuối 2023 nếu kiểm soát được lạm phát 6 tháng đầu năm"

Trong báo cáo vĩ mô và thị trường 2023, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm là cơ sở để kỳ vọng chính sách tiền tệ nới hơn trong nửa cuối năm 2023. 

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành hai lần trong tháng 9 và tháng 10 với mức tăng khá lớn lên tới 200 điểm cơ bản.

Lãi suất tái cấp vốn được nâng lên 6% từ 4% và lãi suất tái chiết khấu lên 4,5% từ 2,5%. Trần lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng và lãi suất cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN được nâng lên 7% từ mức 5% trước đó.

Trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được nâng lên 6% từ mức 4% trước đó. Kể từ đầu năm 2022, mức tăng lãi suất điều hành của Việt Nam lớn hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. 

 

Về tình hình lạm phát, lạm phát năm 2022 tương đối thấp ở mức 3,2%. Tuy nhiên Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực lạm phát mạnh lên. Tháng 12 là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát vượt mức trần 4% của NHNN (lạm phát trong ba tháng cuối năm 2022 của Việt Nam tăng lần lượt 4,47%; 4,81% và 4,99% so với cùng kỳ).  

 

Lạm phát sẽ giảm dần sau những tháng đầu năm

Dự báo về lạm phát những tháng đầu 2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lạm phát các tháng đầu năm có thể vẫn ở mức cao và giảm dần sau đó.

Khối phân tích cũng nhấn mạnh lạm phát không phải là vấn đề đáng quan ngại trong năm 2023, và triển vọng lạm phát xoay quanh hai yếu tố gồm "giá dầu" và "chính sách".

Về giá dầu, đầu tháng 12/2022, giá dầu thế giới đã giảm rất nhanh trước triển vọng u ám của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù vấn đề nguồn cung vẫn khó đoán nhưng xác suất dầu trở về mức đỉnh của năm 2022 là thấp.

Về chính sách, có 4 điểm đáng chú ý gồm: Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu năm 2023 sẽ giữ nguyên như năm 2022; giá điện có thể được điều chỉnh tăng từ 5-10% trong 2023; chính sách tăng tiền lương cơ bản; Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ và mục tiêu lạm phát.

"Trong bối cảnh cầu tiêu dùng trong nước không khả quan, tác động của cung tiền tăng thấp kéo dài từ năm 2022 sang 2023 thì lạm phát vẫn có thể kiểm soát được ở mức 4,2%, trong kịch bản cơ sở của chúng tôi", các chuyên gia tại đây dự báo.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) dự báo trong năm 2023, nếu tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, lạm phát cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, kinh tế thế giới trì trệ, thouwng mại quốc tế giảm sút, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mức 6,2 - 6,7% thì khả năng lạm phát cả năm trong khoảng 3,3 - 3,7%.

Trong kịch bản lạc quan hơn, tình hình thế giới cải thiện, giá dầu, nguyên vật liệu ổn định, kinh tế thế giới phục hồi, Việt Nam có thể đạt mức tăng 6,8 - 7,5% thì lạm phát cả năm có thể ở mức 3,8 - 4,1%.

Chuyên gia cũng đề cập đến một số yếu tố giảm áp lực lạm phát năm nay. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể thúc đẩy mở rộng nguồn cung các nguyên vật liệu đầu vào với giá cả hợp lý cho nền sản xuất. Đồng thời thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa, các linh phụ kiện của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát.

Ngoài ra, nếu môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện sẽ là điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Vốn FDI tăng sẽ giảm áp lực tăng tỷ giá và áp lực lạm phát.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng áo lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tê, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023.  

Theo ông, về tổng thể, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn. 

Trước áp lực lạm phát cơ bản gia tăng bền vững từ giữa năm 2022, NHNN đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022.

Theo các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2022 mới tăng 3,85% so với cuối năm 2021, trong khi đến ngày 20/6/2022 đã tăng 3,3%, tức là cung tiền gần như không tăng trong nửa sau của năm 2022. Đồng thời, mặt bằng lãi suất năm 2022 đã tăng khoảng 2-2,5 điểm phần trăm so với năm 2021. Đây sẽ là những nhân tố có tác động kiềm chế lạm phát trong năm 2023.

Thứ hai, áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Trên thị trường quốc tế, USD đang trong xu hướng giảm giá, mặc dù sẽ có những giai đoạn phục hồi trong năm 2023. Ở thị trường trong nước giá USD cũng đã giảm mạnh trong tháng 12/2022. Tính từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022, VND chỉ giảm giá khoảng 3,7% so với USD. Đây là mức mất giá không quá lớn và do vậy sẽ không ảnh hưởng quá mạnh tới lạm phát thời gian tới.

"Nếu xu hướng giảm giá của USD tiếp tục được duy trì, tỷ giá USD/VND trong năm 2023 sẽ được NHNN giữ ổn định để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", TS. Nguyễn Đức Độ nhận định. 

Năm 2022, trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản và tỷ giá tăng mạnh, CPI đã tăng trung bình khoảng 0,37% một tháng. Nhưng với áp lực lạm phát được dự báo sẽ giảm, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo tốc độ tăng CPI trung bình hàng tháng trong năm 2023 sẽ giảm đáng kể. Lạm phát so với cùng kỳ có khả năng đạt đỉnh trong tháng 1/2023 sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm. Lạm phát cả năm dự báo trong khoảng 3 - 4%.

Dự báo chính sách tiền tệ nới lỏng vào nửa cuối 2023 

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Maybank Invesment Banking (MSVN) cho rằng năm 2023, Việt Nam không còn hưởng lợi từ mức so sánh thấp như năm 2022 (giá thịt lợn năm 2022 thấp hơn khoảng 27% so với năm 2021) và còn phải đối mặt với áp lực lạm phát nhập khẩu do VND trượt giá khoảng 4% vào năm 2022 và khả năng tăng giá điện, Việt Nam có thể chịu thêm áp lực lạm phát.

MSVN dự báo rằng trong quý I/2023, Chính phủ, đặc biệt là NHNN, có thể duy trì quan điểm thận trọng trong khi theo dõi diễn biến CPI. Đến giữa năm, khi lạm phát dự kiến sẽ được duy trì ở mức vừa phải, chúng tôi dự đoán Chính phủ sẽ chuyển sang các chính sách nới lỏng hơn, bao gồm hạ lãi suất và dành thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

"Theo quan điểm của chúng tôi, điều này về cơ bản sẽ hình thành một kịch bản suy thoái theo chu kỳ vừa phải.

Trong trường hợp lạm phát tăng trên 5% và kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2023, điều này có thể sẽ làm giảm dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Như vậy, lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, dẫn đến suy thoái theo chu kỳ lâu hơn", các chuyên gia tại đây cho hay. 

Theo các chuyên gia tại SSI Research, trong bối cảnh Fed chưa có kế hoạch ngừng tăng lãi suất, mục tiêu điều hành trong năm nay của NHNN sẽ không có nhiều khác biệt so với năm trước, đó là tập trung kiểm soát tỷ giá. Nhà điều hành cũng sẽ căn cứ vào trạng thái thực tế của thị trường để có những giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất đang ở mức tiệm cận cao (tương đương giai đoạn 2011-2012) và tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự báo gặp nhiều khó khăn do các yếu tố bên ngoài, SSI dự báo chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn và kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng quan điểm, HSBC cũng dự báo xu hướng thắt chặt các chính sách tiền tệ của NHNN sẽ chậm lại trong năm 2023, khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và biến động thị trường ngoại tệ được xoa dịu. Tuy nhiên, khi Fed chưa ngừng tăng lãi suất, chu kỳ tăng lãi suất trong nước sẽ còn tiếp tục.

HSBC dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm % trong quý I và II, đồng thời nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7%/năm vào giữa năm nay.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm