Xã hội

Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT thêm 1,5 năm đến hết 2026

Sáng 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trong đó trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

"Giải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu", Bộ trường cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền kinh tế trong nước còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt phá rõ nét theo yêu cầu tăng trưởng đặt ra như hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, chi phí sản xuất còn cao, sức mua trong nước đã được cải thiện nhưng còn chậm, đặc biệt là việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng với các nước, trong đó có Việt Nam.

"Trong bối cảnh tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT", Bộ trưởng nêu rõ.

  Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về giảm thuế 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Thời gian áp dụng từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Theo đánh giá của Chính phủ, với chính sách này, dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng và cả năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho biết, việc giảm thuế  VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.

"Việc giảm 2% mức thuế VAT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh", Bộ trưởng Thắng thông tin. 

Cần đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu NSNN

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, ông Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 theo đề nghị của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

"Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước, việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra", ông Mãi nêu rõ. 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội) 

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế - Tài chính đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả để bảo đảm khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách do vẫn có các hàng hóa, lĩnh vực loại trừ, không được giảm thuế, bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Đồng thời, cần đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu NSNN, bảo đảm việc thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, bảo đảm nhất quán với các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt,

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - Tài chính cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về kiến nghị cho thời gian áp dụng dài hơn (18 tháng) và với phạm vi mở rộng hơn so với những lần giảm thuế được ban hành trước đây. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết riêng có thể là phù hợp để bảo đảm tính quy phạm pháp luật.

Các tin khác

Miền Bắc sắp đón mưa dông

Chiều tối và đêm nay (14/5), miền Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục mưa dông vào chiều tối nay. Các khu vực khác ngày nắng, ít mưa.

Giá vàng trong nước "bỏ xa" thế giới

Sáng nay (14/5), giá vàng trong nước tăng. Giá vàng miếng trong nước cao hơn gần 18 triệu đồng/lượng so với thế giới, mức chênh của vàng nhẫn dao động 13-16 triệu đồng/lượng, tùy từng thương hiệu.

Thông tin mới về “Siêu dự án" 1,5 tỷ USD ở Hưng Yên

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân gôn Khoái Châu do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên đề xuất.

Giá vàng bất ngờ tăng mạnh

Cuối chiều 13/5, giá vàng trong nước quay đầu tăng 1 triệu đồng/lượng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 120,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao nhất lên 119 triệu đồng/lượng.

Hợp long cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình – Nam Định

Sáng 13/5, tại công trường thi công cầu vượt sông Đáy, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ hợp long cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình – Nam Định, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh, đồng thời mở rộng kết nối vùng và thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế ven biển Bắc Bộ.