Tại Nghị quyết 09 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Chính phủ đánh giá việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược trong năm qua đã được thúc đẩy vượt bậc, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện lực.
Tiêu biểu trong đó phải kể đến việc Chính phủ đã trình Quốc hội việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ vướng mắc để đưa vào khai thác các dự án điện năng lượng tái tạo có giá trị trên 13 tỷ USD.
Đồng thời, Chính phủ hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối chỉ sau hơn 6 tháng thi công.
Về hạ tầng giao thông, Chính phủ cho biết, năm 2024, cả nước đã đưa vào sử dụng 109 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.021 Km; đẩy nhanh tiến độ thi công sân bay Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM; tập trung chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Liên Chiểu.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt 63/63 quy hoạch tỉnh, 34/38 quy hoạch ngành quốc gia; công bố 06 quy hoạch vùng, phê duyệt 47 kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Trong năm 2024, Việt Nam đã ký kết hơn 170 thoả thuận hợp tác với các nước. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra các đánh giá tích cực về kết quả và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Ngoài ra, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã xem xét xử lý 15.852 phiếu trình giải quyết công việc; Chính phủ ban hành 185 Nghị định, 329 Nghị quyết. Thủ tướng đã ban hành 28 Quyết định quy phạm pháp luật, 1.846 Quyết định cá biệt, 47 Chỉ thị, 142 Công điện và 3.044 văn bản chỉ đạo, điều hành. Hoàn thành toàn bộ Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với việc trình 82/82 đề án.
Năm vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hơn 80 chuyến công tác địa phương, xử lý hơn 200 kiến nghị; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc triển khai nhiều công trình, dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia; tổ chức hơn 1.000 hội nghị, cuộc họp, làm việc để xử lý các công việc theo thẩm quyền.
Chính phủ tích cực tháo gỡ cho khăn cho điện tái tạo
Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Ngày 7/12/2024, Chính phủ đã họp và thống nhất ban hành Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Theo nghị quyết vừa được thông qua, Chính phủ đã quyết nghị đồng ý chủ trương về quan điểm, giải pháp và các nguyên tắc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo như báo cáo của Bộ Công Thương, bao gồm: Bổ sung quy hoạch, thủ tục liên quan tới đất đai, nghiệm thu công trình xây dựng, hưởng giá FIT, dự án điện mặt trời mái nhà.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Trong đó, cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng... thì thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù họp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan (lưỡng dụng quy hoạch).
Đối với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo Kết luận của cơ quan có thẩm quyền do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Đối với các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng mà đất chưa phù hợp để làm trang trại thì yêu cầu các chủ đầu tư cần: Thực hiện đầy đủ thủ tục xây dựng, đầu tư trang trại nuôi trồng kết hợp với thực hiện dự án điện năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; Thực hiện ngay các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định vi phạm về đất để làm trang trại thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện và thực hiện đầy đủ các hoạt động trang trại nuôi trồng theo đúng đăng ký đầu tư ban đầu.
Đối với các dự án không đủ điều kiện, cơ quan có thấm quyền ban hành quy định về mua bán điện khi cấp có thẩm quyền xác định dự án bị thu hồi giá FIT ưu đãi để làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã trình Quốc Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và được thông qua chủ trương đầu tư.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 có công suất lắp đặt mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW đã được Quốc hội đồng ý chủ trương xây dựng từ năm 2009. Năm 2010, Bộ Công thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy tại hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải. Dự án dự kiến khởi công năm 2014, sau đó thay đổi thời gian thành năm 2015.
Ngày 10/1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo và Phó Trưởng Ban Thường trực là Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Phó Trưởng Ban là Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân; tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đề xuất giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.