Thời sự

Thủ tướng: Đảm bảo ít nhất 15% ngân sách Nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ

Sáng 13/1, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh KHCN, ĐMST và CĐS đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững: Giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ.

Bên cạnh đó, là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; Tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý Nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, phù hợp với xu thế chung của thế giới và góp phần bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.

7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng cho biết, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57, nhất là 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (gồm 13 nhiệm vụ cụ thể).

Nhóm thứ hai là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (28 nhiệm vụ cụ thể).

Nhóm thứ ba là tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS (34 nhiệm vụ cụ thể). Thủ tướng cho hay, tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS là một chiến lược mang tính nền tảng, trong đó hạ tầng đóng vai trò là yếu tố cốt lõi để tạo đà bứt phá cho đất nước.

Đầu tư cần được thực hiện một cách đồng bộ, liên kết mạnh mẽ giữa các ngành, các lĩnh vực. Ưu tiên phát triển hạ tầng số với phương châm "hạ tầng số phải luôn đi trước một bước", để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế số, xã hội số.

Đây chính là nền tảng để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như: công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ..., góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; đảm bảo ít nhất 15% ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ là cần thiết để phục vụ nghiên cứu các công nghệ chiến lược. Đồng thời, rà soát các chiến lược nghiên cứu không gian biển, ngầm và vũ trụ để đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại, khắc phục khan hiếm đất đai.

Rà soát, đầu tư phát triển Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu quốc gia; phát triển hạ tầng số hiện đại, hạ tầng viễn thông, Internet, hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số, các nền tảng số quốc gia, nền tảng số dùng chung các ngành, lĩnh vực.

Xây dựng Chương trình phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng Đề án ứng dụng Internet vạn vật trong một số ngành, lĩnh vực như sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh… Quyết tâm phủ sóng viễn thông 5G trên phạm vi toàn quốc, phát triển mạnh Starlink…

Nhóm thứ 4 là phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (12 nhiệm vụ cụ thể).

Cùng với việc tăng cường đầu tư hạ tầng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vạn năng" mở ra cánh cửa thành công.

Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Đề án phát triển và trọng dụng nhân tài; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổ chức khoa học và công nghệ công lập, trong đó tổ chức nào hoạt động không hiệu quả sẽ được sáp nhập hoặc giải thể để tập trung nguồn lực cho các tổ chức nghiên cứu mạnh; có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

Nhóm thứ 5 là đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh (27 nhiệm vụ).

Nhóm thứ 6 là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp (16 nhiệm vụ cụ thể). Trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhận thức rõ vai trò then chốt này, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách "mở đường" cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tiếp cận và làm chủ công nghệ số, ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh; các doanh nghiệp lớn phải đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong.

"Các chính sách này sẽ thổi luồng sinh khí mới, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp tự tin chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế", Thủ tướng cho hay.

Nhóm thứ bảy là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (9 nhiệm vụ). Hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ tiên tiến. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chiến lược hợp tác quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế.

Vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đề nghị các cơ quan trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó".

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; kịp thời báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình hành động.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện hằng năm theo Nghị quyết số 57. Nguồn vốn Nhà nước đóng vai trò "vốn mồi", dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm