Trên thế giới, nghiên cứu khoa học được chia làm ba loại: cơ bản, ứng dụng và phát triển. Trong đó, hai loại đầu tiên thường dừng ở các bài báo, bằng sáng chế, còn loại thứ ba chủ yếu xuất phát từ các ngành công nghiệp, mang giá trị thực tiễn cao.

Chia sẻ tại tọa đàm “Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia” do Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới tổ chức sáng 17/4, GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, đã công bố một vài con số về ngân sách phân bổ của các nước cho các loại hình nghiên cứu này. Đáng chú ý, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản dành hơn 60% và Trung Quốc 83% nguồn lực khoa học công nghệ (KHCN) cho nghiên cứu phát triển.
Giáo sư Bảo nhận xét, nền KHCN của Việt Nam còn mang tính hàn lâm, nặng về nghiên cứu cơ bản và chưa chuyển hóa vào trong sản xuất. Dẫn số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tính đến tháng 8/2024, nước ta có khoảng 23.776 tiến sĩ, ông đặt câu hỏi: “Bao nhiêu người trong số này gắn với sản xuất và phát triển của đất nước”?
Theo ông Bảo, khi nhìn vào R&D, chúng ta đang tập trung nhiều vào nghiên cứu (R – research) hơn là phát triển (D – development). Đa số các đề tài đều từ dưới lên (bottom-up), thiếu đề tài trọng điểm từ trên xuống (top-down). Vì vậy, ông đề xuất để đất nước đi lên, cần có những câu chuyện lớn để tập trung các nhà khoa học giỏi tìm cách giải quyết và Chính phủ sẽ đặt ra các bài toán đó.
Công nghệ dù tốt đến đâu cũng phải gắn bó với sản xuất. Đây là quan điểm được các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia tọa đàm đồng tình. Theo GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong tương lai, trung tâm của hệ sinh thái KHCN sẽ là doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng nằm trong hệ sinh thái này và không nên rời xa bộ phận R&D của doanh nghiệp.
Một trong những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là đến năm 2030, Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ số. Để làm được điều này, không chỉ cần đến ngân sách quốc gia mà phải thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội, địa phương, doanh nghiệp.
Từ thực tiễn hoạt động cũng như kinh nghiệm triển khai dự án với các đối tác trong và ngoài nước, GS.TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội gợi ý một số cơ chế như đặt hàng chiến lược thông qua chương trình nghiên cứu trọng điểm, thành lập quỹ đổi mới sáng tạo theo hình thức nhà nước đầu tư - doanh nghiệp vận hành, thành lập liên minh đổi mới sáng tạo các trường đại học.
Theo ông Tuấn, cần có cơ chế huy động nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp, kết hợp đội ngũ tri thức từ các cơ sở nghiên cứu như trường đại học, viện nghiên cứu. Chẳng hạn, liên quan đến bán dẫn – công nghệ được nhiều quốc gia xác định là chiến lược, các doanh nghiệp điện lực như EVN - vốn cần rất nhiều chip bán dẫn – có thể phối hợp với một tổ chức nào đó để hỗ trợ phát triển phòng thí nghiệm và trang bị cơ sở vật chất để tiến hành nghiên cứu.
“Doanh nhân và nhà khoa học nếu hợp lực và tập trung sức mạnh, không có lý do gì Việt Nam không bay lên được”, PGS.TS Trần Đình Thiên kết luận.