Chứng khoán

Chiến lược giao dịch khi VN-Index thủng đáy hai năm: Chưa vội bắt đáy, hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu có dấu hiệu phá vỡ hỗ trợ

Thị trường trong nước tuần 7 - 11/11 dù có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhưng chốt tuần vẫn giảm 42,62 điểm, tương đương sụt 4,27% so với tuần trước. VN-Index tiếp tục ngược dòng so với các chỉ số chính trên thế giới dù khối ngoại tích cực giải ngân bắt đáy trong tuần này với quy mô hơn 4.100 tỷ đồng.

Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp VN-Index đóng cửa tuần dưới 1.000 điểm và tạo đáy mới của năm. Vốn hóa sàn HOSE theo đó dừng ở 3.810 tỷ đồng, bốc hơi gần 170 tỷ đồng so với tuần trước và mất hơn 2.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 10.541 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,5% so với tuần trước đó, giảm 7,6% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Top cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index tuần 7 - 11/11. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Với 5 phiên giảm sàn liên tiếp, NVL đã để mất 25% trong tuần và ảnh hưởng giảm 8,24 điểm của VN-Index. HPG và EIB là 2 mã tiếp theo ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số, giảm mạnh lần lượt 15,4% và 20,5% và lấy đi của chỉ số chính tương ứng 3,3 điểm và 2,5 điểm. Tương tự, sắc đỏ của TCB, MBB, PDR, GVR, VIB, VPB,... cũng đang làm khó nỗ lực hồi phục của thị trường.

Chiều ngược lại, VCB là trụ đỡ chính giúp VN-Index có thêm gần 4,5 điểm trong tuần qua, theo sau là BID với mức tăng 8,1% đóng góp gần 3,6 điểm. Chiều hỗ trợ thị trường còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, MSN, SAB, ACB, POW, VJC, PNJ,... 

Nhóm BĐS có tuần giao dịch trầm lắng

Theo nhận định của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, việc chỉ số chứng khoán Việt Nam lệch pha so với các thị trường thế giới đến từ rủi ro mất thanh khoản của một số cổ phiếu bất động sản lớn khi hoạt động bán giải chấp (margin call) xuất hiện.

Thống kê của của FiinTrade chỉ ra, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản có một tuần giao dịch tương đối phân hóa với mức giảm toàn ngành là 7,7% với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 18,71% toàn thị trường.

Tuần qua, hai bluechip thuộc rổ VN30 là NVL, PDR bị bán giải chấp mạnh nhưng thanh khoản không có dẫn đến ngày càng nhiều lượng cổ phiếu bị bán ra. Mới đây, hai doanh nghiệp này đã có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE.

Theo đó, cổ phiếu NVL đã có 5 phiên giảm sàn liên tục từ ngày 3/11 đến ngày 9/11. Doanh nghiệp cho biết giá cổ phiếu của công ty giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô.

Tương tự văn bản giải trình của Bất động sản Phát Đạt nếu ra giá cổ phiếu giảm là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Tuần qua, cổ phiếu của DIG của DIC Corp được giải cứu có thanh khoản nhưng việc thị giá liên tiếp giảm sâu cũng làm cho cổ phiếu này chưa dứt chuỗi giải chấp. Cùng với đó, một loạt các cổ phiếu bất động sản khác cũng có nhiều phiên giảm sàn như DXG, IDC, HQC, TDC,...

DIG được giải cứu có thanh khoản nhưng việc giá liên tiếp giảm sâu cũng làm cho cổ phiếu này chưa dứt chuỗi giải chấp. (Ảnh: TradingView).

Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm bất động sản tăng trong tuần từ mức thấp trong vòng một năm, chỉ số giá giảm mạnh. Điều này cho thấy dòng tiền vào nhóm này đang tăng lên nhưng không đủ mạnh để hỗ trợ giá. Chỉ số dòng tiền của nhóm bất động sản tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở vùng thấp của một năm cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch yếu hơn.

Tín hiệu ngắn hạn chưa đủ tin cậy, ưu tiên quan sát

Theo khối phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sự phục hồi kỹ thuật tại phiên giao dịch cuối tuần đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo trong lòng nhà đâu tư nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp.

Tại đồ thị tuần, chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI tiếp tục ở ngưỡng quá bán, chưa có tín hiệu phục hồi và hoàn toàn có khả năng thủng ngưỡng 22. Nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước thì sẽ có xác suất hướng về vùng điểm 900 tương ứng với ngưỡng 1 của thang đo Fibonacci mở rộng.

VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp phục hồi kỹ thuật của thị trường để hạ tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra các tín hiệu tạo đáy ngắn cũng chưa đủ tin cậy nên nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát thêm diễn biến giao dịch trong những phiên tới và hạn chế việc bắt đáy. 

Hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu có dấu hiệu phá vỡ hỗ trợ

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường vẫn sẽ có thiên hướng giảm điểm trong phiên đầu tuần để kiểm tra tín hiệu hỗ trợ quanh 950 điểm của VN-Index và 930 điểm của VN30-Index. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị nên hạn chế mở mua, tiếp tục quan sát kỹ động thái hỗ trợ để đánh giá trạng thái của thị trường và cân nhắc hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu có dấu hiệu phá vỡ hỗ trợ.

Chưa vội bắt đáy, không dùng margin

Theo nhóm phân tích của Chứng khoán MB (MBS), thị trường trong nước đang cho thấy vấn đề nội tại lấn át tác động từ bên ngoài, nhóm tín hiệu bất động sản vẫn chưa có tín hiệu tích cực, thị trường thế giới tăng mạnh nhưng chốt phiên thị trường trong nước vẫn có gần 140 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn là điều cần suy nghĩ. Nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin, có thể đứng ngoài thị trường quan sát. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm