Tài chính

Chỉ số niềm tin doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam "chạm đỉnh" hai năm

Niềm tin doanh châu Âu vào môi trường Việt Nam tăng vọt  - Ảnh 1.

75% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư chiến lược. - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) đã tăng vọt từ 46,3 trong quý 4-2023 lên 61,8 trong quý 4-2024.

Kết quả này đã phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam, và minh chứng cho khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của Việt Nam trước những biến động toàn cầu.

Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy 42% người tham gia bày tỏ họ cảm thấy tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại, trong khi 47% kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục lạc quan trong quý tiếp theo. 

Đáng chú ý hơn, 56% dự báo sự cải thiện trong triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2025.

Sự gia tăng niềm tin kinh doanh có thể được lý giải nhờ vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò trung tâm của đất nước trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững.

Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nhận định “chuyển đổi kép” - quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - đóng vai trò quan trọng cho những đánh giá tích cực. 

Các doanh nghiệp nắm bắt những xu hướng này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với một số doanh nghiệp thậm chí báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lên tới 40% so với năm trước.

Xu hướng bền vững, được thúc đẩy bởi cả chính sách của Chính phủ Việt Nam và các quy chuẩn xanh của quốc tế, đang trở thành yếu tố quan trọng trong việc hình thành chiến lược kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

Điểm nổi bật nhất là 75% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Dữ liệu này nhấn mạnh sự công nhận ngày càng gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam như một trung tâm đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.

Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang mở rộng, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp châu Âu muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với thách thức như thủ tục hành chính phức tạp, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép. EuroCham cho biết sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Chính phủ để tháo gỡ các rào cản này.

Ngoài ra, việc cải thiện cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc Bắc - Nam và sân bay quốc tế Long Thành sẽ hỗ trợ logistics và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Chỉ số BCI cho thấy bất chấp biến động toàn cầu, niềm tin của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam đang tăng mạnh, mở ra nhiều cơ hội phát triển và đầu tư trong tương lai. “Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam," ông Bruno Jaspaert, chủ tịch EuroCham Việt Nam, cho biết.

Ông nói thêm: "Sự gia tăng rõ rệt về niềm tin này phản ánh sự công nhận rộng rãi về quá trình chuyển đổi chính trị và kinh tế của đất nước trong suốt những năm qua. 

Niềm tin ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn chính là minh chứng cho nền tảng vững chắc của đất nước trong cả thương mại và chính sách kinh tế".

Thách thức cần vượt qua

Mặc dù tình hình chung đang có xu hướng tích cực, các thách thức trong vận hành vẫn là vấn đề đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Như trong các báo cáo BCI trước, ba trở ngại lớn nhất trong vận hành được xác định là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng, và khó khăn trong việc xin giấy phép.

42% doanh nghiệp cho rằng yêu cầu visa cho chuyên gia nước ngoài là rào cản lớn nhất. Điều này gây khó khăn trong việc tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.

Các vấn đề liên quan đến thuế, bao gồm hoàn thuế VAT, cũng được 30% doanh nghiệp ghi nhận, cùng với những thách thức khác liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu và đăng ký đầu tư.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm