Tài chính

Chi phí rẻ, triển khai nhanh, thanh toán QR Code đang tăng trưởng tới 62% số lượng và 53% giá trị so với quý trước

Các hình thức thanh toán hiện đại ngày càng cắm rễ vào đời sống người dùng, khi không chỉ thanh toán điện tử qua thẻ (nội địa, quốc tế) mà thanh toán không tiếp xúc, đặc biệt là QR code cũng bật lên như một hình thức tiêu biểu.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt bằng quét mã QR tăng 86%. Số liệu qua nền tảng thanh toán Payoo cũng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng của hình thức này, với mức tăng của quý 3/2022 là 62% về số lượng và 53% về giá trị so với quý 2/2022, bao gồm cả giao dịch qua cổng thanh toán Payoo và thanh toán tại quầy qua Payoo POS.

Cụ thể từng lĩnh vực, các nhóm có tỷ lệ tăng trưởng thanh toán bằng QR mạnh mẽ nhất là nhóm Siêu thị, Cửa hàng tiện lợi, nhóm Thực phẩm, đồ uống và nhóm Công nghệ. Siêu thị tăng 68% về số lượng và 45% về giá trị so với quý trước. Riêng nhóm F&B tăng đến 79% về số lượng và 90% về giá trị. Thanh toán QR mảng Công nghệ quý này bứt phá với giá trị giao dịch tăng gấp đôi ở nhóm các các phẩm điện thoại, laptop và tăng 50% với nhóm các sản phẩm liên quan điện máy.

Trong lĩnh vực thời trang, phụ kiện, hình thức thanh toán này cũng ghi nhận mức tăng trưởng trung bình gần 50% cả về số lượng lẫn giá trị. Sự tăng trưởng của nhóm ngành thời trang do nhiều đối tác thuộc ngành này tích cực tổ chức các chương trình khuyến mãi kích thích người dùng trải nghiệm quét mã QR. Điển hình như các CTKM tại Uniqlo giảm đến 200.000 đồng cho đơn hàng từ 2 triệu đồng được Payoo và các ví điện tử, ngân hàng phối hợp triển khai.

Thanh toán bằng mã QR có sự khác biệt về giá trị đơn hàng trung bình giữa các ngành hàng. Cụ thể, giá trị đơn hàng trung bình của ngành siêu thị là 600.000 đồng – hơn 1 triệu đồng, cửa hàng tiện lợi từ 100.000 đồng – 200.000 đồng, ngành thời trang là 1,5 triệu – 2 triệu đồng, trang sức, phụ kiện là 5-6 triệu, điện thoại và điện máy có giá trị đơn hàng cao, từ 5 triệu hoặc có những đơn hàng lên tới hơn 20 triệu.

Các giao dịch thanh toán có giá trị nhỏ chủ yếu đến từ QR ví điện tử, với giá trị giao dịch từ vài triệu đồng, người dân sử dụng QR từ ứng dụng mobile banking của ngân hàng.

Lợi thế từ chi phí rẻ, triển khai nhanh

Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone, trong đó 73,5% là người trưởng thành. Tính đến tháng 9, Việt Nam có hơn 81,8 triệu thuê bao Internet di động. Đây là cơ sở để thanh toán QR có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nói về lợi thế của thanh toán QR, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion chia sẻ: “Trong đường đua thanh toán điện tử, thanh toán QR đang bứt tốc rất nhanh".

"Một trong những nguyên nhân giúp QR ngày càng phổ biến là vì chi phí đầu tư cho hình thức thanh toán này rất rẻ và triển khai nhanh chóng. So với thanh toán bằng thẻ ngân hàng cần đầu tư thiết bị, cấu hình kỹ thuật và được các tổ chức tài chính kiểm định, thanh toán QR không cần máy móc chuyên biệt do giao tiếp thanh toán bằng hình ảnh".

Theo đó, thanh toán QR chỉ cần đầu quét của máy bán hàng, một chiếc điện thoại hay thậm chí một mã QR được đặt cố định tại quầy là người dùng có thể thanh toán xong một đơn hàng.

Vì đầu tư rẻ, triển khai nhanh, QR đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí nhất định. Ông Lĩnh cho biết chúng ta có thể thấy rõ nhất sự thành công của hình thức thanh toán này ở Trung Quốc, nơi QR dần thay thế hầu hết các phương thức truyền thống.

Bên cạnh đó, phương thức “chuyển khoản thanh toán” mới bằng mã QR rất nhanh và thuận tiện mà không cần phải ghi nhớ số tài khoản và cú pháp chuyển tiền như phương thức chuyển khoản truyền thống. Được biết các ứng dụng ngân hàng số của những ngân hàng lớn tại Việt Nam đều đáp ứng tính năng chuyển khoản thanh toán bằng mã QR. Đây được cho là bước tiến mới trong lĩnh vực tài chính, giúp khách hàng đơn giản hóa quá trình đầu tư, hé mở tương lai đầu tư và thanh toán đi vào cuộc sống của mọi người dân.

Ông Lĩnh cho biết, tuy mới triển khai hình thức “chuyển khoản thanh toán bằng mã QR” này được hơn 1 tháng nhưng đã được cộng đồng các nhà đầu tư đón nhận và ủng hộ rất đông đảo với lượng giao dịch lớn qua hệ thống .

Ở Việt Nam, thanh toán QR đang nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Các ngân hàng, tổ chức fintech trên thị trường đều là những đơn vị có tiềm lực, năng động và tham gia một cách tích cực vào công tác mở rộng thị trường, gia tăng điểm chấp nhận thanh toán".

"Khách hàng sử dụng dịch vụ đa phần là lớp người dùng hiện đại, dễ thích nghi và chấp nhận cái mới. Nhìn chung, QR cũng đang đóng một vai trò rất quan trọng giúp chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn rất nhiều so với thời gian trước”, ông Lĩnh cho biết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm