Kỹ năng sống

Chỉ có trong tay vỏn vẹn 2 USD, doanh nhân tỷ đô người Việt viết huyền thoại trong giới công nghệ cao, khiến người Mỹ phải nể phục

Làm đủ nghề để có tiền đi học và giúp đỡ gia đình

Tiến sĩ Trung Dũng sinh năm 1967 tại Việt Nam. Bước ngoặt bắt đầu vào năm 1984, Trung Dũng rời Việt Nam sang Mỹ. Khi đó, trong túi ông chỉ có vỏn vẹn 2 USD - món quà từ người bạn, cùng vốn tiếng Anh bập bõm và một ý chí mãnh liệt phải vươn lên của bản thân.

Nhờ quyết tâm, chàng thanh niên Trung Dũng khi đó đã vượt qua kỳ thi tại Mỹ với những kiến thức về toán và khoa học tự nhiên để được nhận vào trường ĐH Massachusetts ở Boston. Trong suốt quãng thời gian học ĐH, ông đã phải làm đủ nghề từ rửa chén trong nhà hàng đến kỹ thuật trong phòng máy tính để có tiền đóng học phí và hỗ trợ gia đình. Mỗi tháng, ông thường trích 1/3 thu nhập - khoảng 300-400 USD để gửi về nhà.

Vượt qua tất cả khó khăn, 3 năm sau ông đã lấy được 2 bằng cử nhân về toán học ứng dụng và Khoa học máy tính. Sau đó, chàng trai Trung Dũng tiếp tục theo học chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên khi đang làm luận án tiến sĩ, mẹ bị ung thư nên ông buộc dừng việc học để dành toàn bộ thời gian đi làm nhằm có tiền lo cho mẹ. Đến năm 1992, Trung Dũng hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại trường ĐH Massachusetts tại Boston.

Chỉ có trong tay vỏn vẹn 2 USD, doanh nhân tỷ đô người Việt viết huyền thoại trong giới công nghệ cao, khiến người Mỹ phải nể phục - Ảnh 1.

Tự chế máy tính, đi khắp nơi để quảng cáo phần mềm của mình

2 năm sau, Trung Dũng giữ chức kỹ sư trưởng, phụ trách biên soạn phần mềm kinh doanh điện tử cho công ty Open Market Inc. Cuối năm 1995, sau khi mẹ mất, ông từ bỏ công việc biên soạn phần mềm, thành lập On Display Inc để theo đuổi kế hoạch: Phát triển một chương trình có thể giúp các công ty chỉ đạo, kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua Internet.

Do không đủ tiền mua máy tính xách tay, ông phải gắn chiếc máy tính cá nhân cồng kềnh với màn hình 17-inches lên chiếc xe máy Honda Civic rồi ''kéo lê'' đi khắp nơi để giới thiệu phần mềm của mình.

Không có quá nhiều thành tích trong quá khứ, ông chẳng thể thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp. Vốn đã ốm yếu, ông lại càng xanh xao vì mất ngủ do bị giằng xé giữa sức ép phải nuôi sống gia đình và thực hiện ước mơ của bản thân.

May mắn, ông được một người bạn giới thiệu phần mềm đến Mark Pine, nguyên là Uỷ viên Ban Quản trị Sybase Inc đã về hưu nhưng tiếp tục làm việc trong ngành công nghệ kỹ thuật cao. Biết đây là cơ hội quý giá, Dũng quyết không bỏ lỡ. Ông mời Mark về làm Giám đốc Điều hành của công ty.

Thành công ngoài mong đợi

Nhìn chung, OnDisplay tập trung vào việc tìm ra những giải pháp tốt hơn để giúp các doanh nghiệp có thể thu thập thông tin và họ chủ yếu nhắm tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp.

Điều đáng nói là thời điểm đó, rất nhiều công ty công nghệ Mỹ như America Online và Amazon.com tập trung giải quyết vấn đề của những khách hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên Mark và Trung Dũng lại nhắm tới những khách hàng là doanh nghiệp.

Phần mềm CenterStage của OnDisplay thu thập dữ liệu từ Internet và tổ chức trong một hình thức dễ sử dụng. Mức giá khởi điểm cho việc thu thập dữ liệu thông qua phần mềm này là 50.000 USD.

OnDisplay có khoảng 100 nhân viên và 120 khách hàng bao gồm cả những tên tuổi lớn như Travelocity của Sabre – đơn vị sử dụng phần mềm của OnDisplay để lấy thông tin từ những website khách sạn và hàng không khác và cung cấp giá cả cho khách hàng.

Năm 1998, doanh thu của công ty đã vượt quá con số 10 triệu USD và nhận khoản đầu tư lên tới 35 triệu USD. Một năm sau đó (năm 1999), OnDisplay trở thành một trong 10 công ty IPO thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Câu chuyện của người đàn ông Việt lập nghiệp trên đất Mỹ với số vốn 2 USD gây dựng lên cơ nghiệp 1,8 tỷ USD tưởng rằng kết thúc ở đây. Nhưng không, ở khu trường sở Bishop Ranch tại San Ramon, trong toà cao ốc cạnh trụ sở cũ của On Display, Trung Dũng lại mở một công ty phần mềm mới - Fogbreak có quy mô lớn hơn để nhằm thực hiện mục tiêu thu được lợi nhuận ngang ngửa với PeopleSoft nổi tiếng của Mỹ. Bên cạnh đó, ông còn là nhà đầu tư chính là thành viên Hội đồng Quản trị của công ty DICCentral.

Chỉ có trong tay vỏn vẹn 2 USD, doanh nhân tỷ đô người Việt viết huyền thoại trong giới công nghệ cao, khiến người Mỹ phải nể phục - Ảnh 2.

Câu chuyện về thành công của doanh nhân người Việt này đã được coi như một huyền thoại trong giới công nghệ cao của Mỹ. Kiếm được hàng tỷ đô, nhưng điều khiến bạn bè và đối tác đánh giá cao ông không chỉ ở năng lực và lòng quyết tâm dẫn đến thành công mà còn là một tấm lòng hướng về quê hương.

Năm 2005, ông đã thành lập tập đoàn đầu tư V-Home Group. Ngoài kinh doanh, ông còn có các hoạt động xã hội khác như tham gia vào ban quản trị các tổ chức của cộng đồng như Viet Heritage Society, là tổ chức bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Ông là cố vấn cho Vietnamese American Silicon Valley Networks, chiếc cầu nối toàn cầu đầu tiên cho chuyên gia gốc Việt hoạt động trong ngành công nghệ cao trên toàn thế giới. Ông cũng là người sáng lập VietNet Forum, diễn đàn điện tử lớn nhất dành cho người Việt định cư ở nước ngoài...

Với những hoạt động tích cực trên, năm 2005, Trung Dũng đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush bổ nhiệm vào Hội đồng Quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF), một tổ chức độc lập tại Mỹ nhằm hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho Việt Nam thông qua các chương trình nâng cao năng lực và trao đổi giáo dục. 

Năm 2006, ông được nhận giải thưởng Vinh danh nước Việt - giải thưởng nhằm tôn vinh người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích trong sự nghiệp và có những đóng góp cho đất nước.

Tổng hợp

Ảnh: Internet

Cùng chuyên mục

Đọc thêm