Chị Linh, 37 tuổi, đang làm việc tại Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Một căn nhà trong hoặc sát quận Thanh Xuân sẽ giúp chị đạt được 2 mục đích: Đi làm gần và tiện đưa đón đứa lớn chuẩn bị vào lớp 1.
Diện tích rộng, giá tốt, vị trí đẹp, nhưng chỉ được ở 40 năm
Ngân sách có chừng 1,6 tỷ đồng (tính cả tiền bán căn hộ đang sống), chị đã tìm hiểu một số dự án chung cư cạnh nơi làm việc. Trong số nhiều dự án, chị Linh rất ưng một khu chung cư đáp ứng đủ tiêu chuẩn với giá trị căn hộ thấp hơn mặt bằng thị trường khoảng 20-30%.
Cùng diện tích căn hộ khoảng gần 60m2, ở vị trí trung tâm thủ đô, và theo tiêu chuẩn dự án chung cư cao cấp, căn hộ chị T lựa chọn có giá khoảng 1,6 tỷ đồng, trong khi đó giá thị trường cho một căn hộ tương tự rơi vào khoảng 2 tỷ.
Tuy nhiên sau khi tìm hiểu các thủ tục mua bán căn hộ, chị được biết đây là khu chung cư có thời hạn sử dụng đất 50 năm đối với chủ đầu tư. Thì ra, đây vốn là đất dịch vụ 50 năm do nhà nước giao cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư mất thời gian xin cấp phép rồi xây dựng hoàn thiện mất chừng 10 năm. Vì vậy, hợp đồng ký giữa người mua đất và CĐT chỉ là hợp đồng cho thuê sử dụng có giá trị trong 40 năm kể từ khi nhận nhà.
Sau 40 năm đó, hai bên sẽ xem lại tình trạng sử dụng căn hộ và các chính sách liên quan để kí gia hạn hoặc người mua sẽ phải trả lại căn hộ cho CĐT.
Những điểm cần cân nhắc khi xuống tiền để mua "căn hộ 50 năm"
Theo hợp đồng ký giữa CĐT và khách sạn thì dạng căn hộ này được gọi là Hợp đồng cho thuê Khách sạn và mô hình các dự án căn hộ chung cư cho thuê có thời hạn sử dụng là lai giữa căn hộ và văn phòng hay còn gọi là officetel.
Chủ đầu tư của những dự án này phải nộp tiền thuê đất 50 năm, trong khi đó đối với những dự án căn hộ chung cư được cấp thời hạn lâu dài chủ đầu tư phải nộp hết tiền sử dụng đất. Do đó, những căn hộ 50 năm có mức giá không quá cao, phù hợp với đa số khả năng tài chính của nhiều người.
Theo một luật sư, điểm khác biệt lớn nhất giữa căn hộ được cấp sổ hồng sở hữu 50 năm và căn hộ sở hữu lâu dài chính là quyền lợi của người dân sau khi hết hạn đất được giao.
Đồng thời đối với người mua có nhu cầu sử dụng sổ để cho mục đích vay vốn ngân hàng, căn hộ theo loại hình này sẽ không thể làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Trong trường hợp người sử dụng sau một thời gian không còn nhu cầu sử dụng, muốn chuyển nhượng theo môi giới của một dự án, thủ tục chuyển nhượng chỉ cần ba bên kí với nhau vào giấy tờ gồm chủ đầu tư, người đứng tên Hợp đồng thuê và người nhận lại là được. Tuy nhiên, với loại hình này, giá trị căn hộ chuyển nhượng cũng sẽ bị giảm và tính thanh khoản thấp.
Mặc dù vậy, điểm cộng của những dự án này nằm ở mức giá tốt so với mặt bằng thị trường, đáp ứng được một số lượng khách hàng mục tiêu là những người có nhu cầu mua để ở không kinh doanh hoặc cần sổ vay vốn ngân hàng. Một số dự án thậm chí tạo điều kiện cho khách hàng vay từ chính căn hộ họ bán ra, không thông qua ngân hàng với mức lãi suất khá hấp dẫn.
Nhiều người bạn khuyên chị Linh không nên mua căn hộ dạng này. Tâm lý chung của người Việt, mua nhà là một sự kiện lớn của đời người cùng với cả tài sản tích cóp nhiều năm mà chỉ để sở hữu một căn hộ có thể hiểu là ‘thuê" mà không được sở hữu hoàn toàn/lâu dài.
Ở một góc nhìn khác, 40 năm sử dụng theo một số quan điểm thì căn hộ cũng đã xuống cấp rất nhiều. Và cũng có thể ngầm hiểu thay bằng sở hữu lâu dài có sổ với mức giá gấp 30% thì người mua lựa chọn đi "thuê" đóng tiền một cục, không lo ngại việc chi phí đi "thuê" nhà lạm phát, tăng theo năm.
Thực sự căn hộ này chị Linh rất thích khi đáp ứng đủ tiêu chí về ngân sách, diện tích lẫn vị trí. Chỉ những người mất 1 tiếng vật lộn trên đường đến cơ quan, lại còn phải lộn ngược đường đưa con đi học mới hiểu được giá trị của một căn nhà gần trường con lại tiện cho mẹ đi làm. Vậy nên chị Linh vẫn băn khoăn có nên xuống tiền mua căn hộ dạng này? Với số tiền tích góp 1,6 tỷ, cũng đâu thể có lựa chọn căn hộ tốt hơn ở quận Thanh Xuân?