Điều hoà chỉ lắp… cho đẹp
Ngay trong ngày 7/7, Hà Nội nắng nóng 390C, ở xóm chạy thận nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cuộc sống của người dân trở nên rất khó khăn. Lo chạy thận chưa xong, giờ họ còn phải lo “chạy” cả nắng, nếu không muốn những đồng tiền ít ỏi của mình bị vơi đi vì nắng nóng.
Trong căn phòng trọ rộng chừng 30 mét vuông, ba người phụ nữ lớn tuổi đang dùng bữa trưa. Tên họ là Nguyễn Thị Bưởi (72 tuổi), Nguyễn Thị Thêm (70 tuổi) và Nguyễn Thuý Hoà (58 tuổi) - những người đã có trên chục năm sống ở xóm chạy thận này. Ban ngày nhưng căn phòng tối om vì cửa đóng kín mít để tránh hơi nóng ùa vào, đèn không bật vì sợ tốn điện. Hai cái điều hoà nằm im lìm trên tường nhà, có lẽ cũng vì lý do tương tự. Chỉ có ba chiếc quạt “thương binh” bé tẹo đang chạy rì rì.
Bà Nguyễn Thị Thêm chuẩn bị bữa trưa Ảnh: Việt Khôi
Bà Thêm cho biết, tiền điện của những tháng trước là 2.000 đồng/số, nhưng từ tháng này đã tăng lên 3.000 đồng/số. Tháng trước chủ nhà trọ vừa lắp cho hai cái điều hoà. Tiền điện trung bình hết khoảng 300.000 đồng/người/tháng, nếu không dùng điều hoà; còn dùng điều hoà thì ít nhất hơn 1 triệu đồng/tháng. “Điều hoà chỉ để trưng cho đẹp thôi chứ có bật bao giờ đâu. Riêng tôi, đêm nào cũng phải uống thuốc ngủ thì mới yên vì mồ hôi túa ra làm da ngứa kinh khủng. Cả đêm chỉ có thức trắng để nằm gãi thôi”, bà Bưởi nói.
“Tốn nhất là tiền thuốc. Chúng tôi phải dùng đủ thứ thuốc, từ thuốc dạ dày, tim mạch đến thuốc xương khớp, tiểu đường… Rồi còn cả tiền mua quả lọc, dây lọc máu nữa... Vậy nên đành phải cắn răng chịu nóng đề bù vào”. Bà Nguyễn Thúy Hòa (58 tuổi)
Theo bà Hoà, nếu tính tất cả mọi chi phí, mỗi tháng một người phải chi hết gần 4 triệu. Trong ba chị em, chỉ bà Bưởi có thu nhập là 3 triệu đồng tiền lương hưu mỗi tháng, còn bà Thêm và bà Hoà không có thu nhập, sống dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của con cháu.
Chạy nóng khổ chẳng kém chạy thận
Đáng lo hơn cả là ảnh hưởng của nắng nóng tới sức khoẻ người chạy thận. Với nền nhiệt cao từ 40 độ trở lên, những người già bị suy thận sẽ tăng nguy cơ bị tai biến hoặc đột quỵ do khả năng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ kém hơn người bình thường.
Nhưng đáng sợ nhất là nguy cơ nhiễm trùng cầu nối động - tĩnh mạch. Bởi cầu nối này là vị trí thường xuyên bị chọc kim vào để lọc máu nên rất dễ bị nhiễm trùng nếu người bệnh đổ mồ hôi quá nhiều.
“Người bệnh sẽ phải phẫu thuật tạo cầu nối động - tĩnh mạch ở vị trí khác nếu vị trí cũ (thường là tay) bị hỏng do nhiễm trùng. Mỗi lần mổ như thế là vài triệu đồng đến chục triệu đồng”, anh Lê Anh Hùng (40 tuổi), cư dân xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị cho biết. “Như tôi đây, tạo cầu nối đến nay là 5 lần rồi, hết ở tay phải, tay trái đến cổ, rồi cả gần bẹn nữa. Tốn hàng chục triệu đồng chứ ít đâu”.
Nguy hiểm ở chỗ việc phẫu thuật tạo cầu nối động - tĩnh mạch mới phải được thực hiện ngay sau khi cầu nối cũ hỏng, để quá trình lọc máu không bị gián đoạn. Bà Thêm cho biết, trước đây, ở xóm từng có một cậu thanh niên bị nhiễm trùng cầu nối, nhưng phải 4 ngày sau mới phẫu thuật được vì thiếu tiền. Trong thời gian đó, cậu thanh niên thừa sống thiếu chết vì không được lọc máu, lại còn phải nhịn ăn để thận làm việc ít nhất có thể.
“Nhưng cậu đó vẫn còn may chán, vì trên người vẫn còn nơi phù hợp để tạo cầu nối mới. Một số người chỉ có đúng một vị trí phù hợp thôi, nếu cầu nối chỗ đó hỏng thì chỉ có nước nằm chờ chết. Đầu năm nay, ở xóm vừa có ba cụ qua đời vì thế đấy. Thế nên với chúng tôi, chạy nóng cũng khổ chẳng thua gì chạy thận”, bà Thêm nói.
Sống trong... mái tôn Những căn nhà trọ lụp xụp, mái lợp tôn nằm bên đê Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội, là nơi tập trung nhiều lao động ở các tỉnh lên Hà Nội làm thuê. Họ thường làm công việc tự do, ai thuê gì làm nấy, hoặc “đi chợ” - đi thu gom phế liệu. Chúng tôi gặp ông Hà Văn Tương (59 tuổi, quê Nam Định) ở căn phòng 10 m2, ngay đầu xóm trọ. “Phòng chật hẹp, vừa là nơi ngủ, vừa là nhà bếp. Mái lợp tôn, mặt trời rọi thẳng vào mái, nóng lắm”, ông nói. Ông Hà Văn Tương (quê Nam Định) nhìn chăm chú vào bức tranh làng quê Ông Tương theo hàng xóm trong làng lên làm lao động tự do, đứng ở góc đường Kim Ngưu đã được gần 20 năm nay. Ở quê, chỉ làm ruộng, không đủ ăn, ông lên đây bám trụ trên này. “Có hôm tôi kiếm được khoảng 3, 4 trăm nghìn đồng, nhưng cũng có hôm phải ra về tay trắng. Giờ có tuổi rồi, khó cạnh tranh được với các bạn trẻ. Vợ tôi làm thu gom phế liệu, hai vợ chồng một tháng cũng chỉ được gần chục triệu”, ông nói. Những đợt thời tiết nắng nóng, ông Tương chỉ làm được nhiều nhất 20 công/một tháng. “Nhiều khi phải gắng gượng, vì ở quê không có việc. Thêm cả tiền thuốc chữa u tụy của tôi, một tháng 2 triệu rưỡi, phải chắt bóp mới sống được ở Hà Nội”, ông bộc bạch. Ông Tương ngước nhìn bức tranh làng quê nhỏ treo ở sát cửa ra vào, thở dài. Ông muốn được về quê “nghỉ hưu” nhưng không biết bao giờ... (Thành Đạt- Lâm Thùy Dương) |