Tài chính

Châu Á "đón đầu" lạm phát

Giá dầu hôm 4-7 (giờ địa phương) biến động trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung do sản lượng của OPEC giảm, bất ổn ở Libya và các lệnh trừng phạt lên Nga lấn át nỗi lo về khả năng suy thoái toàn cầu. Giá dầu Brent trong phiên giao dịch hôm 4-7 (giờ địa phương) có lúc tăng lên 112,18 USD/thùng trong khi giá dầu WTI có thời điểm tăng lên 108,87 USD/thùng.

Cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu từ 10 nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giảm 100.000 thùng/ngày trong tháng 6 xuống còn 28,52 triệu thùng/ngày, chênh lệch với mức cam kết tăng khoảng 275.000 thùng/ngày.

Các chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu ANZ Research (Úc) cho biết sự sụt giảm sản lượng dầu ở Nigeria và Libya cao hơn phần gia tăng sản lượng ở Ả Rập Saudi và các nước sản xuất dầu lớn khác trong khi Libya đang đối mặt với khả năng gián đoạn nguồn cung hơn nữa do bất ổn chính trị gia tăng. Diễn biến trên khiến OPEC khó có thể đạt được hạn ngạch sản lượng mới.

Trong bối cảnh giá dầu biến động khó lường góp phần đẩy giá hàng hóa và lạm phát lên cao, nhiều nước châu Á đang triển khai các biện pháp ứng phó. Tại Malaysia, lạm phát lương thực đang ở mức cao nhất trong 11 năm, khoảng 5,2%. Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob hôm 3-7 cho biết nước này sẽ chi khoảng 16 tỉ USD cho các khoản trợ cấp trong năm nay. Đây là gói hỗ trợ cao nhất trong lịch sử Malaysia.

 Châu Á đón đầu lạm phát  - Ảnh 1.

Các nhân viên của tòa nhà Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) ở Tokyo - Nhật Bản làm việc trong văn phòng tắt đèn vào ban ngày hôm 27-6 để tiết kiệm điện Ảnh: Reuters

Gói hỗ trợ kỷ lục này được Malaysia triển khai nhằm kiềm chế giá xăng, dầu diesel, khí hóa lỏng, dầu ăn, bột mì và điện tăng vọt trong thời gian qua. Gần 160 triệu USD trong gói này được phân bổ để duy trì ngưỡng giá gà là 2,13 USD/kg.

Trong khi đó, trợ cấp cho dầu ăn là 906 triệu USD, gần gấp đôi mức 500 triệu USD của năm ngoái. Sau 2 lần phát tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, Thủ tướng Ismail cho rằng có khả năng sẽ phát trợ cấp lần thứ 3.

Thái Lan cũng nhanh chóng hành động khi lạm phát của nước này đang ở mức cao nhất trong 14 năm, đã vượt mốc 7% vào tháng 5. Theo The Nation, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Thái Lan lên kế hoạch thành lập nhóm đặc trách giải quyết cuộc khủng hoảng nhiên liệu và lương thực hôm 4-7.

Tổng Thư ký NSC Supot Malaniyom nhấn mạnh đến cuối năm 2023, hội đồng và các cơ quan liên quan sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng trong 3 giai đoạn, tập trung vào giá nhiên liệu tăng cao đang ảnh hưởng giao thông vận tải và làm trầm trọng thêm lạm phát. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng dự kiến tăng lãi suất trong tháng sau.

Tại Nhật Bản, giá tiêu dùng cơ bản tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5 sau khi ghi nhận mức tăng tương tự vào tháng trước đó. Mức tăng vọt này là cao nhất trong 7 năm qua ở Nhật Bản.

Thủ tướng Kishida Fumio cho hay nước này có kế hoạch giảm bớt tác động của việc tăng giá điện thông qua việc trao thưởng cho những hộ gia đình tiết kiệm năng lượng bằng cách trừ vào hóa đơn điện nước. Thủ tướng Nhật Bản cho biết chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng mức lương tối thiểu trung bình lên ít nhất 1.000 yen (khoảng 7,40 USD)/giờ trong tài khóa hiện tại kéo dài đến tháng 3 năm sau.

Áp dụng biện pháp kiềm chế lạm phát tương tự, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất lên 1,75% hồi tháng 5 khi lạm phát đạt mức cao nhất trong 14 năm. Theo Straits Times, giá thịt heo trung bình đã tăng gần 15% trong tháng trước lên 2.911 won (khoảng 2,24 USD)/100 g.

Các nhà phân tích ngành thực phẩm nhận định giá thịt heo tăng vọt ở Hàn Quốc là do cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như lạm phát.

Một quan chức thuộc Hiệp hội Thịt heo Hàn Quốc cho hay bắp chiếm 1/2 lượng thức ăn cho heo nhưng cuộc chiến giữa Nga-Ukraine, 2 trong số các nhà cung cấp lúa mì và bắp lớn nhất thế giới, đã làm thiếu hụt nguồn cung, góp phần đẩy giá lương thực tăng cao. Lạm phát tiêu dùng ở Hàn Quốc trong tháng 5 cũng tăng lên 5,4%, với tỉ lệ tháng 6 dự kiến vượt mức 6%.

Tại Pakistan, lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên 21,3% trong tháng 6, mức cao nhất trong hơn 13 năm. Đặc biệt là giá nhiên liệu tăng ít nhất 95%. Giá nhiên liệu tiếp tục tăng từ tuần trước khi chính phủ nước này áp thuế xăng dầu để giảm thâm hụt tài chính.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm