Trải qua 2 năm dịch bệnh kéo dài, thị trường Nhà đất, Vàng, Chứng khoán và Tiền gửi tiết kiệm ghi nhận nhiều diễn biến thăng trầm.
Soi chiếu sự tăng trưởng chỉ số giá của các loại hình đầu tư chính gồm Đất, Nhà ở, Chung cư, Vàng, Chứng khoán, Tiền gửi qua các mốc thời gian, dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn cho thấy: Trong hơn 2 năm, từ 1/2020 đến tháng 6/2022, Đất và Nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất.
Cụ thể, Đất có mức tăng trưởng 86% sau hơn 2 năm; theo sau là Nhà ở với mức tăng trưởng 46%.
Mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% so với tháng 1/2020, nhưng sang tháng 6/2022, giá vàng và chứng khoán đã giảm, nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%.
Chỉ số giá đất ngày 23/6/2022 tăng 86% so với tháng 1/2020.
Bất chấp 2 năm đại dịch, Chung cư vẫn tăng giá ở mức 15%, chỉ số tăng trưởng của kênh Tiền gửi là 16%.
Nghịch lý: Mức quan tâm giảm, nhưng đất nền tăng giá từ Bắc chí Nam
Theo ước tính của Batdongsan.com.vn, trong quý 2/2022, đất nền tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021.
Mức độ quan tâm đến đất nền miền Bắc và miền Nam đều giảm trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt tăng 31%, 27% và 20% so với trung bình giá năm 2021.
TPHCM ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý 2/2022 ở nhiều khu vực của thành phố đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, mặc dù quan tâm đến BĐS có dấu hiệu "giảm nhiệt" tại nhiều tỉnh thành trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm 2021 nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá BĐS giảm. Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
Thị trường đất nền toàn quốc trong quý 2/2022 ghi nhận mức độ quan tâm ước tính giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 5% so với quý 2/2019 - thời kỳ trước dịch Covid-19.
"Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá BĐS tăng hay không là nhu cầu của thị trường", ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
"80% lượng giao dịch, tìm kiếm BĐS tập trung tại Hà Nội và TPHCM. Tốc độ đô thị hóa từ hai đô thị này cao và đông dân cư, do đó nhu cầu về nhà ở vẫn cao".
Với phân khúc bất động sản cho thuê, dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn trong quý 2/2022 cho thấy mức độ quan tâm BĐS cho thuê ở Hà Nội và TPHCM ước tính tăng lần lượt 33% và 23% so với cùng kỳ 2021, tăng 64% và 32% so cùng kỳ năm 2020.
Xét trên toàn quốc, ước tính nhu cầu tìm kiếm BĐS cho thuê mảng văn phòng tăng 7%, nhà phố tăng 63%, chung cư tăng 18% so với cùng kỳ 2021.
Mặc dù vậy, dữ liệu cho thấy lợi suất cho thuê chung cư Hà Nội và TPHCM trong năm 2021 đều giảm so với năm 2020. Nếu như năm 2020, lợi suất cho thuê căn hộ ở hai thành phố này lần lượt là 5,1% và 4,9% thì năm 2021 lợi suất cho thuê căn hộ chỉ còn 4,3% (Hà Nội) và 4,1% (TPHCM).
Năm 2021, lợi suất cho thuê chung cư Hà Nội và TP. HCM giảm so với năm 2020.