Sinh năm 1998, có công việc ổn định nhưng anh Phan Văn Phương Nam, trú tại ấp Thới Thuận, xã Châu Hoà, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) vẫn muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm kinh tế.
Tháng 8/2020, thấy con thỏ dễ nuôi lại được giá nên anh đầu tư 5 triệu đồng để làm chuồng trại nuôi thỏ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm lại khởi nghiệp ngay mùa mưa nên thỏ rất yếu và chết liên tục.
Những con chuột lang hay còn gọi là bọ ú được giới trẻ lùng mua về nuôi làm thú cưng.
Thất bại với việc nuôi thỏ, nhận thấy bọ ú là loài thú cưng được nhiều người yêu thích. Đồng thời, những trại giống thỏ anh lấy về nuôi cũng có nuôi thêm bọ ú nên anh Nam tận dụng chuồng trại, nhập 20 con bọ ú Việt với số tiền 4 triệu đồng về nuôi sinh sản.
“Bọ ú hay còn gọi là chuột lang nhà, có tên khoa học là Cavia Porcellus, là một loài thuộc họ gặm nhấm. Chúng ăn cỏ non, cỏ khô và rau củ tươi. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm về chuồng trại hay cách chăm sóc nên bọ ú mua về chết rất nhiều”, anh Nam kể.
Hiện tại trại bọ ú của anh Nam nuôi chủ yếu là bọ ú nhập khẩu.
Không chịu thất bại như nuôi thỏ, anh Nam tìm đến các hội nhóm, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, anh làm lại chuồng trại, tìm phương pháp giữ ấm khi mùa mưa, cách chống nóng khi mùa nắng và các loại thuốc dùng hàng ngày cho bọ khỏi bị bệnh.
Dần dần, số lượng bọ ú của anh Nam được cải thiện tình trạng yếu và chết, bọ dần đi vào sinh sản ổn định. Bọ ú con có bao nhiêu cũng được tìm mua hết bấy nhiêu.
Giá bọ ú sinh sản nhập khẩu từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/con.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ bọ ú, anh Nam phát triển lên đàn gần 100 con bọ ú Việt sinh sản. Đầu năm 2021, anh nhập thêm các giống bọ ú như American, Crested, Califonia về nuôi và giảm dần số lượng bọ ú Việt.
Đến nay, anh Nam sở hữu trại bọ ú rộng khoảng 70m2 với gần 100 con bọ ú sinh sản là dòng F1 nhập khẩu với giá từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/con.
Thức ăn của bọ ú chủ yếu là cỏ và rau củ.
Mỗi tháng, trại nuôi bọ Ú của anh Nam cung cấp ra thị trường từ 40-60 con bọ ú con với giá dao động từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/con. Chủ yếu anh bán sỉ cho các cửa hàng kinh doanh thú cưng ở các tỉnh thành, nhiều nhất là thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mỗi tháng, sau khi trừ hết chi phí, anh Nam thu về từ 10-30 triệu đồng.
Bọ ú từ trại nuôi của anh Nam cung cấp cho rất nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc.
“Giá thành bọ ú American dao động từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/con; bọ ú Crested dao động từ 300-800 nghìn đồng/con; bọ ú Califonia từ 300 nghìn đồng đến 1,7 triệu đồng/con từ 1-2 tháng tuổi”, anh Nam cho hay.
Chuồng trại nuôi bọ ú được giữ ấm vào mùa lạnh.
Theo anh Nam, mô hình nuôi bọ ú mang lại kinh tế khá cao. Bọ ú chủ yếu ăn cỏ khô, nén nâu, rau củ quả, cỏ sữa, các loại cỏ mà thỏ ăn được là bọ ú ăn được.
Trung bình, mỗi năm bọ ú sinh sản từ 3-5 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con, ngoại lệ có trường hợp sinh 6-8 con. Để nuôi hơn 100 con bọ ú sinh sản, anh Nam chi hết từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng.
Màu lông bọ ú này đang được các bạn trẻ săn lùng với giá hàng triệu đồng/con.
Để phòng bệnh cho bọ ú, anh Nam cho biết, lúc mới bắt đầu nuôi cần giữ môi trường nuôi ổn định, tránh thay đổi thời tiết đột ngột. Mùa mưa nên giữ ấm, mùa nắng nên nuôi ở nơi râm mát, tránh sốc nhiệt.
“Hàng ngày nên bổ sung thức ăn chứa nhiều vitamin, bổ sung thêm điện giải và bổ phổi cho bọ ú. Ngoài ra, khi tắm cho bọ ú, tránh để nước vào tai và mũi để chống viêm. Cân đối khẩu phần ăn giữa thức ăn tươi và đồ khô, tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít”, anh Nam phân tích.
Từ việc nuôi bọ ú, anh Nam kiếm được hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Về các loại bệnh thường gặp, anh Nam cho biết, bọ ú hay gặp bệnh nấm da, viêm kết mạc mắt nhưng rất dễ điều trị và chi phí thấp. Ví dụ như bị nấm có thể dùng dầu dừa bôi, viêm kết mạc mắt có thể nhỏ thuốc BIO với giá 12 nghìn đồng/chai, nhỏ vài lần là hết.