Sinh năm 1997, khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân , chàng trai Dương Ngọc Trường quê Thạch Thành, Thanh Hóa hiện tại đang là chủ của một doanh nghiệp với 2 xưởng sản xuất và hàng trăm đại lý trên toàn quốc.
Trong một cuộc gọi dài hơi với chúng tôi, Dương Ngọc Trường không giấu được sự mệt mỏi sau một ngày dài khi vừa phải vận hành công ty, vừa phải tiếp quản việc xây dựng nhà máy đầu tiên tại quê hương.
"Em muốn về quê chị ạ, nhìn thấy quê mình còn nghèo, còn khó khăn, bà con còn khổ nên em muốn về quê", Trường trần tình.
Dương Ngọc Trường khởi nghiệp với nông nghiệp sạch
Từ đam mê với lá cây đến ông chủ của nhà máy tinh dầu với 20 chi nhánh từ Bắc chí Nam
Năm 17 tuổi, Dương Ngọc Trường bắt đầu thực hiện những dự án của mình nhưng thay vì chọn đầu tư những lĩnh vực ít rủi ro, anh chàng này lại chọn "nông nghiệp sạch".
"Chọn nông nghiệp sạch em đối mặt với nhiều khó khăn như là sâu bệnh, mẫu mã không được ưa chuộng, giá thành cao,... Thất bại cái đầu tiên thì em chuyển qua làm miến dong không hóa chất, rồi kế đến sản xuất rượu hạt cau", Dương Ngọc Trường kể.
Không kinh nghiệm, không thị trường, không khách hàng, chưa được gia đình ủng hộ vì việc học còn dang dở, tất cả những kế hoạch ban đầu của Trường đều thất bại. Phải đến năm 2017 khi tròn 20 tuổi, chàng trai này mới bén duyên với công việc mang đến nguồn thu cho mình hiện tại.
Cánh đồng dược liệu của Dương Ngọc Trường
Trong một lần đi qua cánh đồng sả ở quê nhà nhìn những người nông dân chỉ thu hoạch củ bỏ lá vì thấy tốn kém nên Trường đã nung đúc một ý tưởng sản xuất tinh dầu. Đầu tiên, anh chàng liều lĩnh bảo lưu đại học khi vừa kết thúc năm ba, vay 300 triệu từ bạn bè, người thân xung quanh cùng với một số vốn trong tay và... quyết định mua máy móc sản xuất.
Sau thời gian thử nghiệm, đổ bỏ liên tục vì sản phẩm không đạt chất lượng, vừa làm vừa chỉnh từng bước, mẻ tinh dầu thành phẩm đầu tiên của Dương Ngọc Trường cuối cùng cũng chính thức có mặt trên thị trường. Một sản phẩm thuần Việt hoàn toàn từ thành phần, nguyên liệu đến sản xuất. Đúng như câu nói "có lũ thì phù sa mới về".
Anh chàng còn hỗ trợ bà con có công ăn việc làm
Theo Trường, 1 tấn sả thì mới cho ra 1 lít tinh dầu
Năm 2018, sau khi xây dựng thêm cơ sở thứ 2 đồng thời đăng ký giấy phép kinh doanh và đăng ký thương quyền sở hữu thương hiệu riêng. Cậu trai lên ý tưởng sản xuát, phát triển thêm nước hoa hồng chăm sóc da. Bằng việc hợp tác với các cơ sở làm đẹp, sản phẩm của công ty Trường ngày một đi xa hơn, anh chàng đồng thời đã khánh thành thêm nhà xưởng thứ 3 để đáp ứng đơn hàng của đối tác.
Thương vụ "giải cứu" hàng trăm tấn sả của bà con miền Trung vào mùa mưa lũ năm 2018
Tính đến thời điểm hiện tại, công ty do Trường làm Tổng giám đốc điều hành đã cho ra đời hàng chục loại tinh dầu, gồm từ sả, quế, tràm, vỏ bưởi, vỏ quýt,.. và các loạt sản phẩm toner chăm sóc da mặt từ tía tô, hoa hồng.
Mỗi năm doanh nghiệp của Trường tiêu thụ khoảng 500 tấn nguyên liệu, chế xuất hàng nghìn lít tinh dầu và hàng trăm nghìn sản phẩm được đưa ra thị trường tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân. Các sản phẩm tinh dầu của Trường xuất hiện ở các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, cửa hàng hiệu thuốc hay chuỗi mỹ phẩm cũng tin dùng sản phẩm sạch từ công ty anh để sản xuất.
Trong lần trò chuyện với chúng tôi, Trường nhắc về câu chuyện cách đây 4 năm khi quyết định thu về hàng trăm tấn sả của bà con miền Trung vì ảnh hưởng của bão lũ không bán được hoặc phải cắt bỏ.
"Người dân không biết bán cho ai, họ mang đến chỗ em rất nhiều xe tải, mấy trăm tấn sả chưa đủ độ già, chưa đạt sản lượng, không nấu được tinh dầu, mua về sẽ lỗ rất nặng. Nghĩ đi nghĩ lại nếu không mua thì thương bà con quê mình, vừa vất vả vừa cực nhọc lại bị lỗ nên em quyết định thỏa thuận với bà con rồi cùng với nhau mà làm", Trường nói.
Anh chàng từng có một "thương vụ" giải cứu sả cho bà con miền Trung vào mùa bão lũ 2018
Theo Trường thông thường 1 tấn sả sẽ làm được 1 lít tinh dầu còn sả chưa đạt sản lượng chỉ làm ra được khoảng 500ml. Thêm vào đó việc kiểm soát chất lượng của sả bị ngập do lũ cũng cực kỳ gian nan. Thế nhưng thay vì chọn cách bỏ qua, chàng trai này chọn cách gật đầu với người nông dân quê mình.
"Nhìn thấy họ cười em vui lắm, làm lụng đã rất vất vả chính vì vậy mà em muốn về quê làm, làm ở quê cũng có cái lợi", Trường nói.
Học từ những người mình không được gặp
Nói về việc học dang dở, Trường cho biết: "Có người thành công nhờ học vấn và cũng có người thành công từ đời", anh chàng này cho hay bản thân mình không hoàn toàn ủng hộ việc nào và phản bác việc nào, tùy thuộc vào mức độ tương thích của từng người với môi trường đang sống mà họ sẽ đưa ra những quyết định phù hợp với bản thân.
"Khi ra ngoài làm em vẫn giữ liên lạc với các thầy cô ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có vấn đề gì thắc mắc hoặc cần trau dồi em vẫn gọi các thầy, các cô. Em học từ những người cùng ngành cũng là học, học từ những người mình không được gặp như sách này, rất nhiều", Trường nói.
Sau dự án sản xuất tinh dầu từ lá cây thành công, anh chàng xuất hiện trên khắp các mặt báo. Kinh doanh thuận lợi kèm theo việc được mọi người biết đến như một tấm gương thế nhưng Trường từ chối 2 từ "thành công" vì theo chàng trai này, ở phía trường vẫn cần nhiều lắm sự cố gắng.
Thay vì phải chạy đi chạy lại 3 nhà máy như trước, Trường quyết định đưa tất cả các quy trình về tập kết ở duy nhất 1 điểm là Thạch Thành, Thanh Hóa - nơi cậu sinh ra và lớn lên. Mặc dù, đây được xem là cách làm mạo hiểm thế nhưng qua lời Trường kể đó là một kế hoạch được tính trước về lâu dài.
"Ngày trước làm ở Hà Nội điện nước đầy đủ lắm bây giờ ở đây em gặp nhiều khó khăn, hạ tầng lại kém, liên tục mất điện nhưng em vẫn muốn về quê, không có điện dùng máy phát điện, không có nước thì dùng dây kéo nước mới", Ngọc Trường nói.
Trường tìm tòi nguyên liệu tạo mùi hương khắp nơi, những loại cây yếu và khó tăng trưởng anh chàng chọn cách trồng thành những cánh đồng như bạc hà, hoa hồng, tía tô, rau mùi,...
Tại quê hương của mình, Trường phân loại cây ra làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên là nhóm cây khỏe mạnh, có sức đề kháng cao, không bị sâu bệnh hại như sả, chanh, quế,... Với nhóm cây này, Trường chọn cách thu mua từ nhà vườn của nông dân.
Nhóm thứ 2 anh chàng cho biết là rau, hoa, các cây thân yếu, có sức đề kháng kém, dễ hư hại, dễ bệnh, đặc biệt là tía tô, hoa hồng để sản xuất toner - sản phẩm dành cho da mặt, chàng trai Thanh Hóa kiểm soát chất lượng bằng cách tự trồng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và theo dõi từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch đến khâu sản xuất, thành phẩm.