Chiều 24/10 (theo giờ địa phương), sau khi Bộ trưởng phụ trách Hạ viện Penny Mordaunt rút khỏi cuộc đua giành ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak chính thức trở thành tân Thủ tướng Anh tiếp theo với sự ủng hộ của 150 nghị sĩ đảng Bảo thủ trong Quốc hội.
Ông Rishi Sunak sẽ trở thành Thủ tướng Anh đầu tiên theo đạo Hindu và cũng là Thủ tướng da màu đầu tiên của nước Anh. Ở tuổi 42, ông cũng là người trẻ nhất nhậm chức Thủ tướng Anh trong hơn 200 năm qua.
Sự nghiệp chính trị
Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak được cho là một trong những nghị sĩ giàu có nhất nước Anh, song ông chưa bao giờ bình luận công khai về tài sản của bản thân.
Ông Sunak trở thành nghị sĩ đảng Bảo thủ vào năm 2015 và hoạt động chính trị tích cực trong suốt 2 năm sau đó. Chương trình nghị sự chính của ông Sunak vào thời điểm đó chủ yếu xoay quanh Brexit (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời khỏi Liên minh châu Âu), bản thân ông cũng ủng hộ việc Anh rời EU.
Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ông Sunak được bổ nhiệm làm bộ trưởng cấp thấp (bộ trưởng không thuộc nội các) trong Chính phủ của cựu Thủ tướng Theresa May rồi sau đó trở thành Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson.
Ban đầu, ông Sunak là người ủng hộ mạnh mẽ cho ông Johnson, nhưng sau đó đã từ chức với lý do ông cảm thấy cách tiếp cận nền kinh tế của mình về cơ bản quá khác so với cách tiếp cận của Thủ tướng Boris Johnson.
Bản thân ông Sunak nhận được khá nhiều tín nhiệm từ các đảng viên nghị sĩ lẫn người dân Anh khi công bố kế hoạch hỗ trợ mở rộng cho những người không thể đi làm trong thời gian phong tỏa do đại dịch COVID-19. So với bà Liz Truss, ông Sunak được cho là có lập trường mềm mỏng hơn trong một số vấn đề như Brexit và kinh tế.
Tháng 7/2022, ông Sunak từ chức Bộ trưởng Tài chính. Động thái này đã góp phần vào sự suy sụp của ông Boris Johnson với tư cách là lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh.
Sau khi ông Boris Johnson từ chức, cựu Bộ trưởng Sunak cũng là đối thủ của cựu Thủ tướng Liz Truss trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi mùa hè. Trong quá trình tranh cử, ông nhiều lần chỉ trích các kế hoạch kinh tế của bà Truss, cảnh báo nó sẽ khiến nền tài chính công Anh "lâm nguy" và lạm phát tăng cao.
Dù ông Sunak có lợi thế trong cuộc bỏ phiếu ở vòng đảng viên nghị sĩ nhưng lại thua trước bà Truss ở vòng 2 với các đảng viên cơ sở. Dù vậy ông đã chứng minh được gói cắt giảm thuế của Thủ tướng Liz Truss gây ra hỗn loạn trên thị trường vào tháng 9. Kết quả là sau một thời gian nắm quyền ngắn ngủi, bà Liz Truss từ chức Thủ tướng Anh vào ngày 20/10.
Giờ đây, nhiệm vụ ổn định nền kinh tế đang chao đảo của Anh sẽ được đặt lên trên vai ông Sunak.
Trong bài phát biểu kín trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ sau khi nhận tin chiến thắng, ông Sunak tuyên bố ưu tiên hàng đầu là bảo đảm ổn định kinh tế trong nước và thực thi những cam kết của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Ông cũng bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử.
Quá trình chuyển giao quyền lực bắt đầu khi Thủ tướng Liz Truss gặp Vua Charles III để chính thức rời nhiệm sở. Vua Charles III sau đó gặp ông Sunak để yêu cầu thành lập chính phủ mới và bổ nhiệm ông làm tân thủ tướng. Chưa có thời gian biểu cụ thể cho hoạt động này, sự kiện có thể diễn ra tối 24/10 hoặc ngày 25/10.
Con rể của tỷ phú công nghệ
Gia đình ông Sunak di cư tới Anh vào những năm 1960. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, ông theo học Đại học Stanford và tại đây, ông đã gặp vợ của mình là bà Akshata Murthy, con gái tỷ phú Ấn Độ N. R. Narayana Murthy, người sáng lập tập đoàn gia công phần mềm Infosys.
Ông và vợ, bà Akshata Murty, sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 730 triệu bảng Anh - gần gấp đôi khối tài sản của Vua Charles III và Vương hậu Camila (ước tính 300 triệu-350 triệu bảng).
Cựu bộ trưởng Tài chính 42 tuổi cũng gần như sánh ngang nhà vua ở số lượng nhà ở chính thức. Hồi đầu năm nay, ông Sunak trở thành chính trị gia cấp cao đầu tiên từng lọt vào danh sách người giàu nhất nước Anh của tờ Sunday Times.
Vào thời điểm mà nước Anh đang chịu một cuộc khủng hoảng giá tiêu dùng lớn, ông là thành viên quốc hội giàu nhất.
Những tiết lộ về việc đóng thuế của gia đình cũng từng khiến ông khó ăn nói trong cuộc chạy đua vào ghế thủ tướng trước đó vào tháng 9/2022. Theo đó, bà Murty đã sống ở Anh 9 năm nhưng không đăng ký cư trú khiến bà tránh thuế tại Anh đối với 11,6 triệu bảng tiền cổ tức hàng năm thu được Infosys.