Tài chính

Chân dung "kiến trúc sư trưởng" tạo ra chiến lược giúp kinh tế Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt

Khi các lệnh cấm vận khiến "pháo đài" mà ông góp công xây dựng bị đe dọa, Maxim Oreshkin đưa ra một ý tưởng táo bạo: hãy thử "thí tốt" để giải vây cho nền kinh tế Nga.

Ở thời điểm đó, xung đột ở Ukraine diễn ra chưa đầy 1 tháng nhưng kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Đồng rúp lao dốc khá mạnh và Nga đứng trước nguy cơ lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây không thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn.

Ngày 23/3, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu nhiều nước châu Âu phải thanh toán các hóa đơn khí đốt khổng lồ của họ bằng đồng rúp. Oreshkin (40 tuổi), cố vấn kinh tế của ông Putin, chính là tác giả của ý tưởng này.

Kể từ khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, Oreshkin nổi lên là thành viên chủ chốt giúp ông Putin hoạch định chính sách kinh tế. Ông là một trong số ít những người thân cận của ông Putin từng có kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính phương Tây và giờ đây đang giúp điện Kremlin đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế.

Ý tưởng mà Oreshkin đưa ra đã giúp nước Nga tránh được những thiệt hại nặng nề nhất khi phương Tây bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt. Đồng rúp đã hồi phục và hiện trở thành một trong những đồng tiền tăng mạnh nhất thế giới. Đó là nhờ hàng chục tỷ USD và euro mà Nga thu được từ xuất khẩu năng lượng và các hàng hóa khác.

Chân dung kiến trúc sư trưởng tạo ra chiến lược giúp kinh tế Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt - Ảnh 1.

Thặng dư cán cân vãng lai của Nga qua các quý (tỷ USD). Nguồn: Bloomberg.

Bằng cách tận dụng "quân bài" nguồn cung khí đốt, yêu cầu thanh toán bằng rúp mà Nga đưa ra ngay lập tức buộc EU phải nhân nhượng. Phần lớn các khách hàng đã ký vào các hợp đồng với điều khoản mới yêu cầu họ phải mở tài khoản đặc biệt tại Gazprombank JSC, khiến ngân hàng này không hề bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận.

Oreshkin cũng là người góp phần vẽ ra những kế hoạch giảm thiểu những tác động khi các ngân hàng Nga bị loại bỏ khỏi mạng lưới SWIFT. Ông đứng ra phản đối những lời kêu gọi chính phủ kiểm soát nền kinh tế chặt chẽ hơn trong khi kinh tế Nga ngày càng xa rời thế giới mà Oreshkin và các đồng minh từng tìm mọi cách để kết nối.

Là cựu lãnh đạo của ngân hàng Societe Generale chi nhánh tại Nga, Oreshkin là một trong số các quan chức lâu nay vẫn cố gắng cân bằng giữa chính sách kinh tế thân thiện với nhà đầu tư và căng thẳng địa chính trị đang ngày càng gia tăng. Xung đột ở Ukraine đang khiến điều này trở nên gần như là không thể.

Oreshkin thuộc "thế hệ cầu nối" sinh ra đúng thời điểm Liên Xô tan rã. Thời niên thiếu của họ là những năm 1990, khi kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn. Ông sinh ra trong 1 gia đình trí thức ở thủ đô Moscow.

Trạc tuổi ông có Phó Thống đốc NHTW Nga Alexey Zabotkin (44 tuổi) và Thứ trưởng Bộ Tài chính Vladimir Kolychev (39 tuổi). Cả 3 đều tốt nghiệp những trường kinh tế danh giá, từng làm việc cho các ngân hàng châu Âu trước khi gia nhập ngân hàng đầu tư quốc doanh VTB Capital và từng bước leo lên các vị trí cấp cao.

Họ đặc biệt thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển và cho rằng đó chính là "pháo đài tài chính" mà Tổng thống Putin cần đến để giúp kinh tế Nga vững vàng trước các cú sốc. Trong 3 năm làm việc tại Bộ Tài chính, Oreshkin cùng một số người tạo ra cơ chế để chuyển hàng trăm tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu dầu khí sang 1 quỹ đầu tư quốc gia. Chiến lược này đã giúp điện Kremlin đối phó với làn sóng trừng phạt của phương Tây năm 2014.

Tuy nhiên cuối cùng thì tích lũy dự trữ ngoại hối là chưa đủ để bảo vệ kinh tế Nga. Mỹ và các đồng minh đã đóng băng 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối mà Nga đã tích lũy được. Hiện kinh tế Nga không diễn biến quá xấu như lo ngại ban đầu nhưng vẫn đang hướng tới một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Từ một nhân vật thuần về kinh tế, tưởng chừng không liên quan gì đến chính trị, giờ đây những người như Oreshkin đang trở nên ngày càng quan trọng trong bộ máy lãnh đạo nước Nga.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm