Doanh nghiệp

Chăm bón mận hậu sau thu hoạch

Nhiều diện tích ở thung lũng mận Nà Ka, huyện Mộc Châu được phủ lưới chống mưa đá.

Nhiều diện tích ở thung lũng mận Nà Ka, huyện Mộc Châu được phủ lưới chống mưa đá.

Hơn 20 năm gắn bó với cây mận hậu, vườn mận hậu 4 ha của gia đình anh Ngô Trọng Hà ở thung lũng mận Mu Náu, thị trấn Mộc Châu được đầu tư màn che mưa đá, sương muối. Vụ mận vừa qua, dù ảnh hưởng của thời tiết, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, vườn mận của gia đình anh vẫn cho thu hoạch 90 tấn quả.

Anh Hà chia sẻ: Cây mận hậu chỉ cho năng suất cao trong khoảng chục năm đầu, sau đó sẽ dần bị thoái hóa. Để trẻ hóa cây mận, cùng với việc tham gia các lớp tập huấn, tôi tìm tòi, học tập các phương pháp đốn tỉa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chiết, ghép; chuyển hướng chăm bón mận bằng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, gia đình đang tập trung bón phân, làm cỏ, tỉa cành để cây mận phục hồi sau vụ thu hoạch.

Thung lũng mận Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu có hơn 100 ha. Ngay sau vụ thu hoạch, bà con đã triển khai ngay việc chăm sóc, tỉa cành để cây mận phát triển khỏe mạnh, tạo tán đẹp khi ra hoa để đón du khách tham quan, trải nghiệm. Gia đình anh Nguyễn Thanh Quyền có 3 ha trong thung lũng Nà Ka được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi vụ hoa đều thu hút rất đông du khách đến tham quan.

Anh Quyền cho biết: Ngay khi thu hoạch, gia đình tiến hành dọn vườn, tạo tán, cắt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng ra quả. Hiện nay, gia đình tôi tiếp tục tập trung tỉa cành. Sau đó, xới khoanh gốc, bón phân đợt 1 cho cây nhanh phục hồi, đến tháng 9 tiếp tục bón phân đợt 2, phun bón lá và kích cho hoa mận nở sớm để rải vụ.

Ngoài thung lũng Nà Ka, cây mận hậu còn được trồng nhiều ở bản Pa Phách, tiểu khu Pa Khen, đường vào Ngũ động Bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu và thung lũng mận Mu Náu ở thị trấn Mộc Châu. Đặc biệt, là ngày càng có thêm nhiều diện tích mận hậu ở Mộc Châu được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP, quy trình sản xuất hữu cơ an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.

Hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh đến nở hoa, đậu quả của cây mận, huyện Mộc Châu đang chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn, hướng dẫn người trồng mận tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại trước tác động bất thường của thời tiết khi cây mận bắt đầu ra hoa vào thời điểm đầu năm, nhất là băng tuyết, mưa đá..., như đầu tư nhà lưới bằng vật liệu siêu bền có với thời gian sử dụng từ 5-7 năm, dùng cây chống bằng tre hoặc sắt và dây buộc. Theo tính toán, chi phí làm 1 ha nhà lưới khoảng 100 triệu đồng/ha, nhưng 1 ha mận hậu được chăm sóc tốt sẽ cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng.

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mộc Châu, thông tin: Phòng tham mưu cho UBND huyện ban hành văn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các loại cây ăn quả chủ lực. Các phòng chuyên môn, xã, thị trấn vận động các HTX, hộ trồng mận theo dõi sát tình hình, phòng trừ kịp thời sâu bệnh, bảo đảm toàn bộ diện tích sinh trưởng, phát triển tốt, ổn định năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người trồng mận và góp phần thu hút du khách đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm