Nhân dịp kỷ niệm bốn năm thành lập tổng công ty, ông Lê Văn Đại - CEO Viettel Digital (VDS) chia sẻ cùng VnExpress về những chiến lược nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, góp phần xây dựng nền kinh tế số.
- Sau bốn năm phát triển, VDS hiện nay có vị thế như thế nào trên thị trường, thưa ông?
- Năm 2019, Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital - VDS) ra đời, được đánh giá là đơn vị then chốt trong chiến lược chuyển mình của Viettel, từ một nhà khai thác viễn thông truyền thống trở thành công ty cung cấp dịch vụ số.
Hiện tại, Viettel Money đã có gần 25 triệu khách hàng, Mobile Money đạt 3 triệu thuê bao, dẫn đầu số lượng khách trên thị trường. VDS đứng số một về quy mô kết nối đối tác thanh toán và số lượng giao dịch trong lĩnh vực điện, nước, học phí,..
Chúng tôi đang dần xây dựng Viettel Money trở thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện, do những kỹ sư người Việt Nam xây dựng.
- Trên chặng đường đó, đâu là những dấu ấn, thành tựu mà ông cho là quan trọng nhất?
- Đầu tiên, Viettel Money đang dần trở thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện tại Việt Nam với hơn 300 tính năng được cá nhân hóa từ chuyển tiền đến thanh toán tới dịch vụ vay, tiết kiệm.
Chúng tôi cũng phát triển hệ sinh thái nhằm giải pháp để giải quyết các vấn đề về thanh toán số, tài chính số cho những người ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới và hải đảo. VDS đã và đang hợp tác nhiều chính quyền địa phương xây dựng mô hình chợ 4.0 trên 63 tỉnh thành với 500 chợ và hơn 30.000 tiểu thương cùng tham gia.
Một cột mốc khác, dự án Xã 4.0 - xã chuyển đổi số đã thí điểm thành công tại xã Quảng Minh, Bắc Giang, ghi nhận kết quả tích cực khi tỷ lệ nhận biết thương hiệu lên đến 90% chỉ sau hai tháng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình ra toàn quốc.
- Hai mô hình Chợ 4.0 và Xã 4.0 có ý nghĩa thế nào với VDS cũng như xã hội?
- Ở bất kỳ địa phương nào, chợ cũng là nơi người dân tập hợp để mua bán giao thương. Đó là nơi mà chúng tôi có thể tiếp cận các khách hàng nông thôn và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ với chiếc điện thoại di động, họ đã có thể thanh toán tiền chợ dễ dàng bằng cách quét mã QR hoặc cú pháp *998#. Smartphone gần như là thiết bị "bất ly thân" của người dùng hiện nay, thanh toán di động cũng nhanh chóng, tiện ích.
Sau mô hình chợ, chúng tôi nghĩ về việc mở rộng phạm vi triển khai mô hình, đi vào từng địa phương tại Việt Nam. Chúng tôi tập hợp các nhu cầu và thiết kế dịch vụ phù hợp để có thể phục vụ cho địa phương trên tất cả phương diện cần quản lý.
Chợ 4.0 và Xã 4.0 đã tạo ra được sự đột phá trong kinh doanh và lan tỏa truyền thông rất tốt. Tính tới nay, Viettel Money có gần 25 triệu khách hàng, đứng đầu quy mô giao dịch trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu của đời sống như thanh toán điện, nước, giáo dục, giao thông, viễn thông, hành chính công.
- Trong một thị trường với nhiều ông lớn, chiến lược cạnh tranh của đơn vị là gì?
- Với chúng tôi, khuyến mại hay giảm giá không phải là giá trị cốt lõi giữ chân khách hàng. Phải mang lại giá trị thật, bởi nếu không, họ đến với mình vì khuyến mại thì khi hết khuyến mại, họ sẽ rời đi.
Viettel triển khai các dịch vụ tài chính số một cách bền vững, đặt ra bài toán trong cách thay đổi hành vi, thói quen mua bán và thanh toán. Làm sao để họ từ hiểu đến tin tưởng sử dụng tiện ích, thanh toán không tiền mặt, thay đổi toàn diện thói quen và hưởng lợi trực tiếp từ hệ sinh thái tài chính số.
- Ông nói năm nay đơn vị đặt ra mục tiêu tốc độ phát triển một năm bằng 10 năm trước, lý do là gì?
- Đây là năm bản lề rất quan trọng khi mà chúng tôi đã chín muồi về công nghệ, giải pháp, mô hình kinh doanh. Nếu tập trung nguồn lực và làm quyết liệt thì chúng tôi có cơ hội để tiến tới các mục tiêu to lớn hơn trong những năm tiếp theo - tức bước nhảy vọt gấp 10 lần trước.
- Để đi đến mục tiêu đó, VDS có kế hoạch gì?
- Chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế công nghệ hàng đầu của Viettel để tiếp tục phát triển sản phẩm, đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Thời gian tới sẽ mở rộng xây dựng hệ sinh thái toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó ưu tiên các dịch vụ cơ bản thiết yếu, đa dạng giải pháp tài chính (vay, tiết kiệm...).
Mô hình chợ 4.0 và Xã 4.0 tiếp tục nhân rộng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Và cuối cùng là tăng cường hợp tác phát triển toàn diện với nhiều đối tác trong và ngoài nước, đa dạng hóa dịch vụ.
Về VDS, tôi mong muốn tất cả nhân viên đều chung tinh thần, mục tiêu, cùng chiến đấu và bứt phá. VDS cũng có một số khó khăn nhất thời và chúng tôi đã cùng nhau tháo gỡ. Theo cơ hội thị trường, chúng tôi sẽ linh hoạt để tìm mô hình đúng để phát triển. Bộ gen Viettel thể hiện ở việc mỗi cán bộ nhân viên đều có khát khao chinh phục thử thách, cống hiến cho xã hội, nâng tầm sản phẩm tài chính số của người Việt, cho người Việt.