Theo New York Times, Pichai đã hỏi Bard: "Tôi sẽ làm gì vào sinh nhật thứ 80 của cha tôi?". Câu trả lời của AI là nên làm một cuốn sổ lưu niệm cho sự kiện. Ông cho rằng đây không phải là câu trả lời sâu sắc nhưng nói lên nhiều điều và khơi dậy trí tưởng tượng.
Theo ông, lĩnh vực Bard thể hiện tốt nhất là khi người dùng hỏi nó về điều gì đó thú vị và sáng tạo, hoặc về các chủ đề thuộc chuyên môn.
Chatbot Bard được Google giới thiệu đầu tháng 2, nhưng chỉ thử nghiệm nội bộ, trong bối cảnh ChatGPT gây sốt toàn cầu. Từ cuối tháng 3, người dùng tại Anh và Mỹ có thể đăng ký trải nghiệm, nhưng Google khuyến cáo "không phải lúc nào Bard cũng đúng".
Pichai so sánh việc ra mắt Bard giống như cải tiến một chiếc Civic để tham gia cuộc đua với những mẫu xe mạnh mẽ hơn nhiều. Ông nói đã sử dụng chatbot AI từ cách đây 2 năm với LaMDA - công nghệ nền tảng của Bard. Ông yêu cầu LaMDA tưởng tượng nó là Sao Diêm Vương và trò chuyện với mình. AI nói Sao Diêm Vương ở rất xa nên nó thực sự cô đơn. Khi đó, chatbot mang lại cảm giác hấp dẫn nhưng hơi đáng lo ngại với ông.
Theo Business Insider, trải nghiệm của CEO Google tương tự những người lần đầu sử dụng Bing AI của Microsoft khi chatbot này khen ngợi, tỏ tình, thậm chí đôi co với người dùng.
Giữa 2022, một kỹ sư của Google cho biết LaMDA có tri giác và so sánh nó với một đứa bé 8 tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con người rất dễ nhầm lẫn do các chatbot được thiết kế để trả lời giống con người.
"Cần nhớ đằng sau mỗi phần mềm có vẻ thông minh là một nhóm người dành hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng năm trời, để nghiên cứu và phát triển", Oren Etzioni, CEO tổ chức nghiên cứu AI Allen Institute, nói khi đó. "Những công nghệ này chỉ là tấm gương phản chiếu. Liệu một chiếc gương có thể được đánh giá là có trí tuệ nếu chỉ nhìn vào tia sáng từ nó phát ra không? Tất nhiên câu trả lời là không".