Tại Diễn đàn Dự báo Kinh tế Việt Nam năm 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính tổ chức ngày 12/5, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup nhận định triển vọng GDP sẽ tiếp tục từ xuất nhập khẩu, hồi phục sau đại dịch từ tiêu dùng và đầu tư trong nước.
Theo ông Thuân, GDP giai đoạn trong tâm dịch COVID-19 (năm 2020 và 2021) được duy trì tăng trưởng dương chủ yếu nhờ tăng trưởng xuất nhập khẩu và đầu tư, nhất là đầu tư FDI.
Tiêu dùng suy giảm (thể hiện qua doanh thu bán lẻ) nhưng đang trên đà hồi phục tốt.
Triển vọng GDP 2022 và 2023 sẽ được củng cố nhờ: đầu tư khối tư nhân, đầu tư công, hồi phục tiêu dùng và đà tăng trưởng tiếp tục của tiêu dùng trong nước.
Nói về thách thức ngắn hạn trong 2022 và 2023, theo đại diện FinnGroup, sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế lớn trên thế giới nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Châu Âu, Mỹ,… do sự tăng mạnh của lạm phát và sự thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên của họ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi nhu cầu hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam – vốn là một trong các động lực tăng trưởng chính trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine dẫn đến việc đến gián đoạn nguồn cung, đẩy mặt bằng giá cả trên thế giới về các sản phẩm dầu mỏ (như xăng dầu, khí đốt,…) và các hàng hóa quan trọng như ngũ cốc, than đá, phân bón,… tăng cao, ảnh hưởng đến lạm phát tại Việt Nam do Việt Nam là nước nhập khẩu ròng các loại sản phẩm này.
Việc duy trì chính sách Zero-COVID của Trung Quốc (một trong những đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam) có thể tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí logistics và ảnh hưởng đến tăng trưởng kim ngạch hàng hóa xuất/nhập khẩu, làm chậm quá trình phục hồi lượng khách du lịch từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Ngoài ra, một số ngành chủ đạo/ có hiệu ứng lan tỏa như bất động sản đang trong giai đoạn nhiều thách thức trước các thay đổi chính sách của Chính phủ.
“Ngành bất động sản đang gặp những thách thức lớn trong ngắn hạn, do những tác động từ chính sách và vốn tín dụng trong ngắn hạn. Đây là yếu tố rủi ro quan trọng nhất cần theo dõi. Khó khăn của ngành bất động sản sẽ có tác động đến một số ngành liên quan bao gồm: xây dựng và vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành ngân hàng…”, ông Thuân nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có triển vọng tích cực trong dài hạn như dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, Chính phủ đã thực hiện thành công mô hình “Sống chung an toàn với COVID”.
GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng ở mức 6%-7% trong 2 năm 2022 – 2023 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, các hoạt động đầu tư của cả khối tư nhân và nhà nước; và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 350.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Đặc biệt, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn được duy trì vững chắc. Cụ thể, chính trị - xã hội ổn định, dân số trẻ và đang tăng trưởng, tỷ lệ dân số sử dụng internet cao, thu nhập dân cư tăng đều đặn, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tất cả các yếu tố này tạo ra một thị trường tiêu thụ nội địa lớn và hấp dẫn.
Nền kinh tế có độ mở lớn với việc Việt Nam đã tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng liên tục trên 12% trong 10 năm trở lại đây, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn trong khu vực.
Tổng giám đốc FiinGroup cho biết mặc dù hồi phục nhưng hầu hết các ngành vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước dịch COVID-19 ngoại trừ các ngành: Tài chính (bao gồm ngân hàng và bảo hiểm); Nông nghiệp; và Khai khoáng (do hồi phục xuất hồi phục nhiều mặt hàng trong đó có volfram, đồng,...)
Một số ngành có sự hồi phục tốt đạt gần tiệm cận với tốc độ trước dịch như: Vận tải, Kho bãi; Lâm nghiệp.
Còn lại, hầu hết các ngành chưa về mức độ tăng trưởng trước COVID-19 diễn ra.
Nói thêm về tăng trưởng các ngành chủ chốt, ông Thuân cho biết ngoại trừ bất động sản, một số ngành chủ chốt đang trên đà hồi phục tốt.
Về ngành bất động sản,doanh thu giảm trong quý I/2022 do tiến độ bàn giao dự án chậm vì ảnh hưởng của giãn cách xã hội từ quý III/2021.
Một số ngành hồi phục mạnh sau COVID như Bán lẻ, Hàng cá nhân, dược phẩm,… do cầu nội địa hồi phục tốt
Ngành ít bị ảnh hưởng bởi COVID và có tính phòng thủ bao gồm CNTT, nước, … duy trì tăng trưởng tốt. Riêng ngành thực phẩm đi ngang do nhu cầu tích trữ thực phẩm không còn cao như trong kỳ COVID.
Riêng ngành hàng không hồi phục nhưng còn xa về mức “bình thường”.
Dự báo tăng trưởng các ngành năm nay, Tổng giám đốc FiinGroup cho rằng hầu hết các ngành đều có triển vọng sáng.
Với bất động sản, ngành này đặt mục tiêu tăng trưởng tốt nhưng đang gặp khó khăn do những thay đổi chính sách và tín dụng/ nguồn vốn.
Trong khi đó ngành xây dựng có thể kỳ vọng vào đầu tư công, FDI và bất động sản.
Một số ngành được dự báo có sự suy giảm doanh thu năm 2022 như điện. Ngành này kế hoạch giảm 19,2%%, chủ yếu do điện khí – thiếu nguồn cung khí đầu vào trong khi đó điện than, thủy điện thường có kế hoạch thận trọng.
Vận tải thủy và logistics cũng được dự báo suy giảm doanh thu do các doanh nghiệp kỳ vọng chỉ số giá vận tải biển sẽ hạ nhiệt.
Ngoài ra còn có ngành phân bón, theo Tổng giám đốc FiinGroup, do giá phân bón đã tăng quá mạnh và đạt đỉnh vào quý I/2022 và được dự báo sẽ giảm.