Curnon Watch là một trong những thương vụ đáng chú ý trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2 hồi năm 2018. Các sáng lập viên giới thiệu đây là thương hiệu đồng hồ thời trang đầu tiên của Việt Nam và muốn kêu gọi số vốn 5 tỷ, đổi lấy 15% cổ phần.
Theo phía Curnon, thị trường đồng hồ tại Việt Nam có 2 phân khúc rất rõ ràng: một là những sản phẩm không đảm bảo chất lượng và cũng không có thương hiệu, hai là các thương hiệu cao cấp và lâu đời, đồng nghĩa với giá cả đắt đỏ. Vì vậy, họ nhắm tới phân khúc ở giữa. Đối tượng khách hàng là các bạn trẻ Việt Nam có khả năng chi trả 1-2 triệu đồng hàng tháng cho các sản phẩm thời trang.
Sau khi thu hút 4/5 vị “cá mập” tham gia đàm phán, cuối cùng phía Curnon đồng ý với đề nghị từ Shark Nguyễn Mạnh Dũng và Shark Louis Nguyễn là đầu tư 3 tỷ đồng cho 20% cổ phần, cùng 2 tỷ đồng là khoản vay chuyển đổi với chiết khấu 25%.
Tuy nhiên, thương vụ này nhận về nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng. Một số người đặt câu hỏi đồng hồ gia công tại Trung Quốc, máy Nhật Bản, chỉ có thiết kế của Việt Nam thì liệu có thể gọi là thương hiệu Việt. Nhưng vẫn có ý kiến bênh vực rằng đây là thương hiệu Việt, do đội ngũ sản xuất người Việt kiểm soát chất lượng và phần gia công chuyển sang Trung Quốc.
"Một thương hiệu mạnh phải có cả người ghét và người yêu"
Trong series podcast Chapter 0 của Rising Vietnam mới đây, Co-founder & CEO Curnon Nguyễn Quang Thái cho biết việc startup này truyền đi thông điệp rằng họ là thương hiệu đồng hồ thời trang đầu tiên của Việt Nam nằm trong chiến lược của doanh nghiệp.
“ Vào giai đoạn 2016 – 2017, hơi thở Việt trong các thương hiệu còn khá mới. Tôi nghĩ cái gì cũng phải có chu kỳ và khởi điểm. Tại thời điểm đó, chúng tôi nói lên sự thật rằng Curnon là thương hiệu đồng hồ thời trang đầu tiên của Việt Nam. Đó là sự thật và tạo ra lợi thế cạnh tranh khá lớn, nên chúng tôi nói đi nói lại ”, Quang Thái chia sẻ.
Hồi cuối năm 2019, tức là hơn 1 năm sau khi lên sóng Shark Tank, Quang Thái từng tiết lộ rằng doanh thu công ty đã tăng gấp 7 lần kể từ thời điểm được cam kết đầu tư. Số lượng khách hàng thân thiết được duy trì ở con số ấn tượng 20.000 người, với tỷ lệ quay lại tăng trưởng đều ở mức 25%.
Trước câu hỏi Curnon duy trì thành công được đến thời điểm hiện tại nhờ những yếu tố gì, Quang Thái cho rằng startup của mình đã đặt đúng câu hỏi, có câu trả lời, sau đó thực hiện triết lý đấy một cách thống nhất.
“ Cụ thể, chúng tôi theo đuổi giá trị về mặt thương hiệu ngay từ đầu. Tôi muốn tạo ra một thương hiệu thay vì một cửa hàng. Hai thứ đó khá khác nhau ”, CEO của Curnon trả lời trong chương trình của Rising Vietnam.
Thêm vào đó, ngay từ khi bắt đầu, Quang Thái đã nghĩ sẽ luôn có những ý kiến trái chiều.
“ Theo triết lý của chúng tôi, để xây dựng một thương hiệu mạnh phải có cả người ghét và người yêu, không phải ở giữa. Ở giữa không tạo ra ấn tượng gì. Tôi thà có nhiều người ghét và cũng có người thích còn hơn ở giữa. Tôi nghĩ Curnon làm rất tốt điều đấy.
Đối với những người có thể trượt khỏi nhóm khách hàng của chúng tôi nhưng có sử dụng đồng hồ Nhật hoặc Thụy Sĩ, họ sẽ luôn có những phép so sánh. Đấy là chuyện hết sức bình thường. Tôi nghĩ đó cũng là gia vị, trải nghiệm trong quá trình kinh doanh.
Còn đối với những người thực sự là khách hàng mục tiêu, họ bám vào triết lý, tức là chúng tôi truyền cảm hứng cho họ như thế nào. Riêng việc là thương hiệu đồng hồ Việt đầu tiên đã là một điều khá mang tính cảm hứng rồi, tôi nghĩ là thế ”, anh bày tỏ.
"Một brand thành công không nhất thiết phải có sản phẩm mang USP (lợi thế bán hàng độc nhất)"
Quang Thái cho biết so với trước đây, local brand hiện đã có vị thế quan trọng hơn trong tim người tiêu dùng rất nhiều, với một thế hệ trẻ cởi mở và chịu thử nghiệm hơn. Khi tỷ trọng lớn người mua hàng bây giờ thuộc thế hệ trẻ, anh cũng tin rằng Unique Selling Point (USP – lợi thế bán hàng độc nhất) không còn quá quan trọng nữa, bởi giới trẻ có cách mua hàng khác so với những thế hệ trước.
“ Đương nhiên trong những lĩnh vực như công nghệ hoặc ngành có tính đổi mới cao, tôi nghĩ USP là điều thiết yếu, không thể không có. Nhưng với vài ngành hàng mang tính thẩm mỹ, thực ra điểm USP bị phai nhòa và được thay thế bởi một khái niệm là văn hóa của thương hiệu ”, CEO Curnon nêu quan điểm.
Anh chỉ ra rằng một thương hiệu thành công không nhất thiết phải có sản phẩm mang USP, bằng chứng là có rất nhiều thương hiệu nổi bật mà sản phẩm y hệt thị trường, chỉ khác logo.
“ Vậy thì phải đặt câu hỏi công thức thành công nằm ở đâu. Vẫn là sản phẩm, nhưng không phải là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Vấn đề là chúng ta đang hướng tới đối tượng khách hàng nào ”, Quang Thái cho hay.