Xạ đen, tên khoa học Celastrus hindsii Benth, là loài cây thân leo, thân gỗ, mọc hoang ở các vùng rừng núi phía Bắc như Hòa Bình, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế. Trong dân gian, cây còn được biết đến với nhiều tên gọi như bạch vạn hoa, cây bách giải, cây dây gối.
Xạ đen thường bám vào thân cây lớn khi mọc hoang, còn khi được trồng, các cành đan xen tạo thành từng búi. Thân cây tròn, dài từ 3 đến 10 mét, chuyển từ màu xám nhạt sang nâu và xanh khi già, có lông ở phần thân trưởng thành.
Trong Đông y, xạ đen vị đắng chát, tính hàn, được dùng để thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, hỗ trợ điều trị ung nhọt, lở loét và tăng cường sức đề kháng. Nhờ những công dụng này, cây thuốc nam từng bị lãng quên giờ đây trở thành lựa chọn quen thuộc của nhiều người khi cần hỗ trợ điều trị các vấn đề sức khỏe.

Xạ đen là loài cây thân leo, thân gỗ, mọc hoang ở các vùng rừng núi phía Bắc như Hòa Bình, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Như Loan)
Cây xạ đen trị bệnh gì?
Hỗ trợ điều trị u bướu
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, xạ đen chứa hai hợp chất quan trọng là flavonoid và quinon – có khả năng hóa lỏng các tế bào loạn phát. Những hợp chất này được cho là giúp làm chậm sự phát triển của khối u ở giai đoạn sớm.
Một số nghiên cứu khoa học cũng bước đầu ghi nhận tiềm năng của xạ đen trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị u bướu. Tuy nhiên, các kết quả hiện vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, chưa đủ cơ sở để thay thế phương pháp điều trị hiện đại.
Hỗ trợ điều hòa huyết áp
Xạ đen cũng được nhiều người sử dụng như một biện pháp hỗ trợ ổn định huyết áp. Những người bị tăng huyết áp có thể đun nước lá xạ đen uống hàng ngày hoặc pha thành trà. Việc sử dụng đơn giản, dễ thực hiện khiến xạ đen trở thành lựa chọn phổ biến trong các bài thuốc dân gian.
Cải thiện mỡ máu, gan nhiễm mỡ
Hiệu quả của xạ đen trong hỗ trợ điều trị máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ cũng đã được đề cập trong một số nghiên cứu của Học viện Quân y.
Việc sử dụng nước sắc từ thân và lá xạ đen mỗi ngày được cho là có thể giúp giảm lượng mỡ dư thừa trong máu và gan, từ đó hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, gan mật.
Giúp ngủ ngon, giảm suy nhược thần kinh
Với tính hàn, vị hơi đắng chát, xạ đen được cho là có tác dụng an thần, đặc biệt hiệu quả với những người bị mất ngủ kinh niên do suy nhược thần kinh hoặc thiếu máu. Dược liệu này giúp tăng tuần hoàn máu lên não, hỗ trợ giảm tình trạng hoa mắt, chóng mặt, đồng thời giúp người dùng dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Ai không nên dùng xạ đen
Dù là cây thuốc quý, xạ đen không phù hợp với tất cả mọi người. Theo lương y Bùi Đắc Sáng, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi không nên dùng loại dược liệu này. Người có huyết áp thấp cũng cần thận trọng, bởi xạ đen có thể làm huyết áp tụt thêm, gây hoa mắt, chóng mặt. Nếu vẫn muốn sử dụng, nên kết hợp với vài lát gừng để trung hòa tính hàn.
Đặc biệt, người mắc bệnh suy thận hoặc có chức năng thận kém được khuyến cáo không nên dùng xạ đen, vì loại cây này có thể khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc tạp chất. Ngoài ra, không nên sử dụng xạ đen ngay sau khi uống rượu bia.
Cũng như bất kỳ loại thuốc nào, người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y có chuyên môn trước khi sử dụng xạ đen, đặc biệt khi đang mắc bệnh nền hoặc đang dùng các loại thuốc điều trị khác.