Lý do đấu thầu vàng chưa đạt kỳ vọng
Theo ông, việc thị trường vàng biến động rất mạnh trong thời gian qua là điều bình thường hay bất thường?
Phải khẳng định, giá vàng biến động mạnh, đang ở mức rất cao là vấn đề bất bình thường, chứ không phải bình thường. Nếu bình thường, giá vàng phải ổn định, phản ánh đúng giá trị và phù hợp với quan hệ cung - cầu. Chính sự bất bình thường của giá vàng thời gian qua đã tác động xấu đến thị trường trong nước cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
Hơn lúc nào hết, tôi cho rằng, nhiệm vụ số một của Chính phủ là cần phải ổn định thị trường vàng, từng bước đảm bảo nền kinh tế vận hành một cách lành mạnh, phù hợp. Nếu để kéo dài tình trạng giá vàng biến động mạnh sẽ gây sức ép đối với tỷ giá, sức mua đồng tiền, ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả hàng hóa và tác động xấu đến kinh tế vĩ mô.
Những nguyên nhân chính nào dẫn tới cơn sốt giá vàng vừa qua, thưa ông?
Giá vàng tăng cao, theo tôi có ba nguyên nhân chính. Trước tiên do giá vàng thế giới biến động bất thường, đang neo giữ ở mức cao. Thị trường bất động sản thời gian qua bất ổn, sốt nóng, đầu tư sẽ rất rủi ro, nên nhà đầu tư rất thận trọng, cân nhắc. Tương tự với thị trường chứng khoán cũng biến động lớn, thiếu ổn định, nhiều cổ phiếu trồi sụt liên tục, đầu tư cũng không ổn định, rủi ro lớn. Với kênh ngân hàng , lãi suất duy trì ở mức rất thấp cũng không hấp dẫn người gửi tiền… Từ các lý do trên, người dân sẽ tìm đến trú ẩn vào thị trường vàng.
Mặt khác, thị trường vàng vừa qua điều hành không bình thường, dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Về nguồn cung, chúng ta không nhập khẩu vàng, cung không tăng, nhưng cầu lại tăng, dẫn đến giá tăng sốc. Nhưng điều đáng nói là giá vàng SJC lại cao hơn nhiều so với các loại vàng khác, đặc biệt mức chênh lớn so với thị trường thế giới. Điều này do cơ chế độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp thu được lợi nhuận không chính đáng. Cũng vì chênh lệch lớn giữa giá trong và ngoài nước dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng, quản lý nhà nước khó khăn, phức tạp hơn, kéo theo nhiều hệ lụy không lường được.
Cơn sốt vàng vừa qua cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý xã hội, tâm lý đám đông. Giá vàng lên trên 92 triệu đồng/lượng, nhưng giá càng “sốt” dân lại càng đổ xô đi mua, như vậy đây là tâm lý đám đông. Trong điều kiện đó, Nhà nước phải cung cấp đầy đủ thông tin, đưa ra định hướng xử lý, đồng thời vận động, tuyên truyền, cảnh báo đầu tư trong lúc thị trường vàng sốt nóng sẽ rất rủi ro.
Ông nhìn nhận gì về việc đấu thầu vàng vừa qua?
Giải pháp để ổn định thị trường vàng, theo tôi, đầu tiên phải điều hòa được cung - cầu ở mức độ tương đối. Muốn vậy, phải tăng nguồn cung cho thị trường bằng cách cho phép nhập khẩu vàng đối với những doanh nghiệp có điều kiện. Ngân hàng Nhà nước có thể quy định hạn mức để điều hành thị trường vàng cho phù hợp, tránh tình trạng nhập ồ ạt, dẫn đến vàng hóa nền kinh tế, gây lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, muốn tăng nguồn cung vàng, Ngân hàng Nhà nước phải đưa vàng miếng ra thị trường từ dự trữ ngoại hối, dự trữ quốc gia. Vừa qua chúng ta đã làm, nhưng thành công của việc đấu thầu vàng miếng lại chưa đạt được kỳ vọng. Có phiên mở ra quá ít người tham gia, số lượng vàng đấu thầu thành công ít, không đạt mục tiêu, chưa tác động gì đến giá cả thị trường.
“Để chống vàng hóa, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, vận hành lành mạnh. Lúc đó có cho nhập khẩu vàng, mở cửa không giới hạn, dân cũng không mua, và các nhà kinh doanh sẽ không nhập khẩu. Do vậy, cái gốc của chống vàng hóa là ổn định kinh tế vĩ mô, cộng với tuyên truyền, tạo ra cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác tốt hơn vàng”.
T.S Bùi Đức Thụ
Vì sao vậy? Tôi cho rằng, quan điểm, mục tiêu từ việc đấu thầu vàng cũng cần phải làm rõ. Đấu thầu vàng không phải Nhà nước đem ra bán kiếm lời lúc giá cao, mà phải bổ sung vàng ra để ổn định thị trường, kéo giá vàng xuống. Muốn vậy, phải đưa ra mức giá thấp khi đấu thầu. Nhưng giá tham chiếu đưa ra lại gần bằng giá thị trường, nên doanh nghiệp không mua. Do vậy, phải xác định rõ mục tiêu, có nguyên tắc để điều chỉnh, quản lý, điều hành trong đấu thầu vàng; đồng thời cần đưa giá tham chiếu ở mức độ hợp lý.
Bỏ độc quyền SJC, tổ chức sàn giao dịch vàng
Ông thấy sao về việc sửa đổi Nghị định 24 cũng như xóa bỏ cơ chế độc quyền doanh nghiệp vàng được đưa ra lâu nay?
Vấn đề này đã được bàn quá nhiều, nhưng cứ chập chờn, không dứt khoát. Rõ ràng, cần phải sửa đổi ngay cơ chế quản lý điều hành thị trường vàng. Do vậy, phải tổng kết Nghị định 24, xem được cái gì, không được cái gì, để sửa đổi cho phù hợp. Cái không được chúng ta thấy rất rõ là cần phải xóa bỏ ngay tình trạng biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Không nên giao cho một mình SJC làm và cần xóa bỏ cái gọi là thương hiệu quốc gia. Như vậy sẽ không còn chênh lệch độc quyền doanh nghiệp nữa, đồng thời sẽ thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng SJC với các loại vàng khác.
Cần quy định điều kiện cụ thể để quản lý, điều hành chính sách tiền tệ nói chung, thị trường vàng nói riêng. Vì thế, nên mở rộng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện có thể nhập khẩu vàng theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước, để điều hòa cung - cầu, như thế giá sẽ xuống ngay. Nhưng cái đó mình lại không làm, chỉ tăng cung bằng dự trữ Nhà nước, gây ách tắc trong tổ chức thực hiện. Giữ thương hiệu độc quyền quốc gia với SJC là không hợp lý, đi ngược lại kinh tế thị trường.
“Nhà nước phải độc quyền vàng, nhưng độc quyền Nhà nước không được chuyển thành độc quyền cá nhân, tư nhân, doanh nghiệp. Nếu độc quyền doanh nghiệp, họ nhân danh Nhà nước để thu được lợi nhuận độc quyền, không phải do hiệu quả đầu tư đem lại. Đó là hình thức phân phối không phù hợp với kinh tế thị trường. Tôi không kiến nghị xóa bỏ độc quyền Nhà nước, mà kiến nghị xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, xóa bỏ thương hiệu vàng quốc gia, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh”. TS. Bùi Đức Thụ
Còn giải pháp tổ chức sàn giao dịch vàng thì sao, thưa ông?
Giải pháp này cũng cần phải sớm thực hiện. Ở các nước khi mua bán, họ chỉ nhận chứng chỉ vàng chứ không cần phải nhận vàng thật, từ đó cũng không cần phải nhập khẩu vàng nhiều. Thứ nữa, người mua cũng được lợi vì không phải bảo quản; lại rất thuận lợi trong việc mua bán. Nếu sàn này liên thông với thế giới sẽ giảm ngay sự chênh lệch giá trong nước và quốc tế.
Đồng thời, sàn giao dịch sẽ giúp thị trường vàng minh bạch hơn, không còn xin - cho, độc quyền, không còn tiêu cực nữa. Đó là một trong những giải pháp cần phải làm ngay từ bây giờ. Cùng với đó, cần tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng, để khắc phục tình trạng găm giữ, tạo ra những cơn sốt nóng để hưởng lợi.
Cũng có người đặt vấn đề, có nên cho nhập khẩu vàng không, có nên đưa vàng ra thị trường không? Vì lo sợ đưa ra lúc này dẫn đến nguy cơ vàng hóa nền kinh tế nên cứ lấn cấn, thậm chí đề nghị chưa sửa Nghị định 24. Tôi cho điều đó cũng cần phải xem lại và phải tổng kết để đảm bảo được các mục tiêu đề ra.
Để chống vàng hóa, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, vận hành lành mạnh. Lúc đó có cho nhập khẩu vàng, mở cửa không giới hạn, dân cũng không mua, và các nhà kinh doanh sẽ không nhập khẩu. Do vậy, cái gốc của chống vàng hóa là ổn định kinh tế vĩ mô, cộng với tuyên truyền, tạo ra cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác tốt hơn vàng. Vì vậy, không lo vàng hóa, cũng không nên hành chính hóa bằng cách bóp nghẹt quá mức thị trường trong xuất nhập khẩu vàng.
Cảm ơn ông!