Theo dữ liệu từ Wichart, tính tới tối ngày 24/10, có trên 600 doanh nghiệp trên HOSE, HNX và UPCoM công bố báo cáo tài chính quý III/2023.
Nhiều doanh nghiệp lớn ghi nhận lợi nhuận ròng tăng đột biến so với cùng kỳ với mức tăng trên 100% như: Chứng khoán SSI (Mã: SSI) , Chứng khoán VIX (Mã: VIX) , Chứng khoán BIDV (Mã: BSI), CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) , Chứng khoán DSC (Mã: DSC) , CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND) , CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC), CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Mã: SAS),,... Hay Chứng khoán FPT (Mã: FPS) lãi ròng cao nhất 6 quý, trong khi cùng kỳ lỗ 60 tỷ.
Nhóm chứng khoán có nhiều công ty báo lãi đột biến so với cùng kỳ nhờ thanh khoản thị trường sôi động trong quý III và mặt bằng lãi suất thấp đã hỗ trợ kênh này.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản có lãi ròng tăng đột biến so với mức nền thấp của cùng kỳ là Nam Long. Quý III, lãi ròng Nam Long đạt 66 tỷ, gấp hơn 8 lần quý III/2022.
Một số doanh nghiệp báo lãi ròng tăng trưởng hai chữ số quý III vừa công bố như: Vincom Retail (Mã: VRE) , Mía đường Sơn La (Mã: SLS) , Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) , Tập đoàn FPT (Mã: FPT) , Chứng khoán MB (Mã: MBS), Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC), Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP) , Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) ,...
Nhờ giá vốn hàng bán giảm sâu nên dù doanh thu giảm 38% song Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) vẫn lãi ròng 209 tỷ quý III, tăng 19% so với cùng kỳ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bức tranh tối của ngành điện quý III: Thủy điện giảm lãi vì hạn, một số nhà máy nhiệt điện báo lỗ 19/10/2023 - 10:40
Dù chưa công bố báo cáo tài chính song theo công bố của FPT , tập đoàn lại tiếp tục thiết lập mức đỉnh lợi nhuận trong quý III.
Quý III, FPT ghi nhận 13.761 tỷ doanh thu, 1.739 tỷ lãi ròng; tăng lần lượt 23% và 20% so với quý III/2022. 9 tháng, tập đoàn lãi ròng 4.742 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái lại có nhiều công ty lớn ghi nhận lãi ròng quý III suy giảm mạnh như: Vinhomes (Mã: VHM), Đạm Cà Mau (Mã: DCM), CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR),Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC), Ngân hàng VPBank (Mã: VPB), Ngân hàng Bac A Bank (Mã: BAB), Ngân hàng PG Bank (Mã: PGB) , Ngân hàng TPBank (Mã: TPB), Cảng Đình Vũ (Mã: DVP), Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) , CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (Mã: PVP), CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (Mã: PGD), CTCP Đầu tư Phát triển điện Miền Bắc 2 (Mã: ND2), DAP - Vinachem (Mã: DDV),...
Quý III, Phát Đạt ghi nhận lãi ròng giảm gần 86% còn 102 tỷ đồng do ở cùng kỳ Phát Đạt có doanh thu nghìn tỷ từ chuyển nhượng cổ phần công ty con.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) dù chưa công bố báo cáo tài chính song doanh nghiệp đã có văn bản cập nhật tình hình kinh doanh tháng 9. Tính riêng quý III, HAGLước đạt 324 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 12% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đạt 710 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 20% so với cùng kỳ.
Loạt doanh nghiệp lỗ lớn
Tính tới sáng 24/10, dữ liệu từ Wichart cho thấy đã có trên 100 đơn vị lỗ ròng quý III, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC), Đạm Hà Bắc (Mã: DHB) , Ngân hàng TMCP Quốc Dân (Mã: NVB), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (Mã: NT2) , CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) ,...
Tập đoàn Vingroup báo lỗ ròng 669 tỷ, cùng kỳ năm ngoái có lãi 947 tỷ. Luỹ kế 9 tháng, Vingroup lãi ròng 2.221 tỷ, bằng 33% cùng kỳ năm ngoái.
Lỗ lớn thứ hai sau Vingroup là Đạm Hà Bắc với khoản lỗ ròng 309 tỷ quý III và làquý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp thua lỗ.
Nhóm nhiệt điện ghi nhận bức tranh u ám quý III. Kinh doanh dưới giá vốn, NT2 lỗ ròng 124 tỷ quý III, cùng kỳ lãi 199 tỷ và là mức lỗ nặng nhất kể từ khi lên HOSE (tháng 6/2015). Giải trình việc thua lỗ, doanh nghiệp cho biết doanh thu sản xuất điện giảm do Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 dừng máy tiến hành đại tu từ ngày 7/9.
Tương tự, Nhiệt điện Phả Lại cũng kinh doanh dưới giá vốn song nhờ khoản doanh thu tài chính nên công vẫn báo lãi ròng 84 tỷ quý III, giảm 46% so với cùng kỳ.
Trước đó, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power ) đã ước lỗ trước thuế 47 tỷ quý III trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào (than, khí); sự lệch pha giữa nhu cầu điện và khả năng cấp khí; giá nguyên, vật liệu sản xuất tăng cao,...
Còn với Tisco, sản lượng tiêu thụ thép giảm 8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 14.190 tấn khiến doanh thu đi xuống. Bên cạnh đó, các chi phí ăn mòn lợi nhuận gộp khiến Tisco lỗ ròng 59 tỷ quý III.
Ngoài Tisco thì một số đơn vị nhỏ khác trong ngành thép cũng thua lỗ quý III như CTCP Thép Vicasa - VNSteel (Mã: VCA), CTCP Thép Thủ Đức - VNSteel (Mã: TDS).