Doanh nghiệp

Cập nhật KQKD quý II: Loạt doanh nghiệp báo lãi cao kỷ lục, ngành dược và mía đường thăng hoa

Theo thống kê từ Wichart, tính tới tối 21/7 đã có hơn 400 doanh nghiệp ở ba sàn công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Chỉ có khoảng 36% doanh nghiệp trong số đó ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng và khoảng 41% đơn vị có doanh thu thuần tăng so với cùng kỳ. 19% doanh nghiệp trong số đó thua lỗ trong quý II.

Trong số đó có nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận quý II cao kỷ lục như Mía đường Sơn La (Mã: SLS) , Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) , Imexpharm (Mã: IMP) ,... Sau khi báo lãi cao kỷ lục, cổ phiếu SLS, BMP, IMP đã tăng kịch biên độ.

Doanh nghiệp đường ghi nhận quý thăng hoa nhờ giá đường có thời điểm lên mốc cao nhất 10 năm. 

Sức mua suy yếu, PNJ lãi 335 tỷ quý II

Trong điều kiện thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, sức mua suy giảm, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ)  ghi nhận doanh thu thuần 6.663 tỷ đồng, lãi sau thuế 335 tỷ đồng, giảm lần lượt 17,4% và gần 9% so với mức nền cao kỷ lục cùng kỳ 2022. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.459 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.083 tỷ đồng, giảm lần lượt 9,6% và 0,5% so với nửa đầu năm ngoái. PNJ đã hoàn thành 56% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Lợi nhuận Dược Hậu Giang tăng trưởng 6 quý liên tiếp

Quý II, doanh thu thuần của Dược Hậu Giang đạt 1.153 tỷ đồng, tăng 3% so với quý II/2022. Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp 263 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ và là quý thứ 6 công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng liên tiếp.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 2.381 tỷ đồng doanh thu thuần và 624 tỷ đồng lợi nhuận ròng tăng lần lượt 9%, 27% so với cùng kỳ. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế là 1.130 tỷ đồng. Với 680 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Dược Hậu Giang đã hoàn thành 60% chỉ tiêu lợi nhuận, 48% kế hoạch doanh thu.

Lãi ròng Hoá chất Đức Giang giảm hơn nửa so với cùng kỳ

Quý II, CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC)  ghi nhận 2.414 tỷ đồng doanh thu thuần, 843 tỷ đồng lãi ròng; giảm lần lượt 40% và 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng, tập đoàn đạt 4.897 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 1.631 tỷ đồng; giảm lần lượt 36% và 48% so với nửa đầu năm ngoái.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

 Doanh thu Phát Đạt đạt hơn 5 tỷ, Nam Long báo lãi tăng 20%

Trong bối cảnh ngành bất động sản gần như "đóng băng", báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR)  cho thấy doanh thu thuần chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, cùng kỳ ghi nhận 853 tỷ đồng 

Tuy nhiên nhờ khoản doanh thu tài chính (lãi chuyển nhượng công ty con) 531 tỷ giúp doanh nghiệp không những thoát lỗ còn có lãi ròng 276 tỷ đồng, song vẫn giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng, doanh nghiệp đạt 197 tỷ doanh thu thuần, 300 tỷ lãi ròng; giảm lần lượt 87% và 57% so với nửa đầu năm ngoái.

Còn doanh thu của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) chỉ giảm 23% so với quý II/2022 xuống còn 953 tỷ. Nhờ tiết giảm chi phí, Nam Long báo lãi 231 tỷ, tăng 20% và lãi ròng 121 tỷ, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nửa đầu năm, Nam Long ghi nhận 1.188 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 128 tỷ; giảm 35% về doanh thu nhưng tăng 15% về lợi nhuận so với cùng kỳ.

Nhựa Bình Minh báo lãi cao kỷ lục, lợi nhuận Nhựa Tiền Phong giảm 28%

Quý II, CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong  (Mã: NTP) ghi nhận 1.224 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Nhựa Tiền Phong đạt 128 tỷ đồng giảm 28% so với quý II/2022.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 2.524 tỷ đồng doanh thu, 247 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 10%, 24% so với cùng kỳ.

CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP)  cho thấy doanh thu thuần đạt 1.336 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. 

Giá vốn giảm sâu cùng việc tăng nguồn thu tài chính giúp lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh đạt 295 tỷ đồng, gấp đôi quý II/2022 và cũng là mức cao nhất lịch sử.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 2.776 tỷ, lãi sau thuế 575 tỷ, lần lượt giảm 4% và tăng 111% so với cùng kỳ. So với kế hoạch, Nhựa Bình Minh đã thực hiện được 44% mục tiêu doanh thu và 88% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ Wichart.

Loạt doanh nghiệp báo lãi đột biến

Quý II, CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC)  ghi nhận lợi nhuận sau thuế khoảng 652 tỷ đồng tăng 198% so với quý II/2022 và cao nhất kể từ quý IV/2016.Trong đó, nguồn lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính, do tập đoàn tái cơ cấu trong hoạt động đầu tư như thoái vốn các khoản đầu tư Calofic, KIDO Foods và đầu tư mới vào mảng bánh Thọ Phát.

Doanh thu thuần quý II đạt 2.317 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. 

6 tháng đầu năm, KIDO đạt 4.377 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 31%, lợi nhuận sau thuế đạt 501 tỷ đồng tăng 48% so với cùng kỳ.

CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP)  ghi nhận doanh thu thuần tăng 24% so với cùng kỳ lên 439 tỷ đồng; lãi sau thuế gần 80 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ và là mức cao kỷ lục kể từ khi lên sàn.

CTCP Mía đường Sơn La (Mã: SLS) vừa công bố BCTC quý IV niên độ 2022 – 2023 (từ 1/4/2023 đến 30/6/2023) với 550 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 152% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 225 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.

Luỹ kế cả niên độ, Mía đường Sơn La ghi nhận 1.676 tỷ đồng doanh thu, 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 93%, 178% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của công ty.

Quý II, Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC)  có doanh thu tài chính đạt 104 tỷ đồng, gấp gần 15 lần so với cùng kỳ do công ty nhận gần 100 tỷ đồng cổ tức từ các đơn vị góp vốn. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Phả Lại tăng 146% lên 167 tỷ đồng.

Doanh thu thuần trong kỳ của PPC đạt 1.404 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Nhiệt điện Phả Lại đạt 2.715 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 207 tỷ đồng tăng lần lượt 15%, 39% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ xi măng suy yếu do dư cung, quý II, CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) cho thấy doanh thu thuần giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước về 1.999 tỷ đồng. HT1 báo lãi sau thuế 59 tỷ đồng, giảm 56% so với quý II/2022, nhưng đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm 2023.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 3.690 tỷ, giảm 15%. Công ty báo lỗ 27 tỷ, cùng kỳ lãi 167 tỷ. 

Còn Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex - Mã: VOC) lỗ sau thuế 75 tỷ đồng quý II, cùng kỳ lãi 75 tỷ. Doanh thu thuần tăng gần 90% lên 475 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng. 

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Vocarimex gần 670 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm trước. Lãi sau thuế 1.186 tỷ đồng, gấp 15,5 lần cùng kỳ nhờ kết quả đột biến quý I khi công ty thoái vốn Calofic.

Ngành thép vẫn chưa hết khó khi CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS)  lỗ sau thuế 99 tỷ đồng quý II, cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp thua lỗ và là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong 10 năm qua.

Doanh thu thuần 6 tháng đạt 4.392 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái, công ty lỗ sau thuế 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 33 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm