Công nghệ

Canon bán thiết bị sản xuất chip, cạnh tranh với ASML

Ngày 13/10, Canon, công ty chuyên về thiết bị quang học của Nhật Bản, giới thiệu máy FPA-1200NZ2C với khả năng sản xuất chip trên tiến trình 5 nm. Khi tối ưu hóa khả năng vận hành, Canon kỳ vọng hệ thống có thể tạo chip theo tiến trình 2 nm. Để so sánh, chip A17 Pro của iPhone 15 Pro và 15 Pro Max được phát triển trên tiến trình 3 nm.

Khác với công nghệ quang khắc tia cực tím (EUV) độc quyền bởi ASML, kỹ thuật in thạch bản nano NIL không cần ánh sáng với bước sóng đặc biệt để can thiệp lên vật liệu nền. Do đó, máy được cho là tiết kiệm đáng kể điện năng. Ngoài ra, thiết bị còn có hệ thống quản lý môi trường bên trong, giúp giảm tình trạng tạp chất tiếp xúc với bóng bán dẫn siêu nhỏ. Kết quả, sản phẩm chip đầu ra đồng đều về chất lượng và giảm tỷ lệ lỗi.

Theo Pranay Kotasthane, Phó giám đốc Viện Takshashila, kỹ thuật in thạch bản nano xuất hiện từ năm 2004 và được Canon nghiên cứu trong gần 20 năm. Ban đầu, NIL có hiệu năng thấp hơn nhiều so với EUV. Tuy nhiên, sau quá trình cải tiến, kỹ thuật chính thức được Canon ứng dụng để chế tạo chip với quy trình tiết kiệm chi phí, thân thiện môi trường, từ có có thể rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua với ASML.

Mô phỏng máy sản xuất chip của Canon. Ảnh: Canon Global

Mô phỏng máy sản xuất chip của Canon. Ảnh: Canon Global

Các chuyên gia nhận định cỗ máy của Canon có thể tác động tới cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Thông qua quy định về xuất khẩu, Mỹ đang ngăn đối thủ tiếp cận thị trường chip và thiết bị bán dẫn quan trọng.

Trong khi đó, ASML được chính phủ Hà Lan yêu cầu hạn chế xuất khẩu máy quang khắc tia cực tím sang Trung Quốc, do đây là chìa khóa giúp gia công loại chip hiện đại với tiến trình nhỏ hơn 5 nm. Theo CNBC, FPA-1200NZ2C của Canon có khả năng tương tự nên sẽ bị giám sát chặt chẽ. Hiện hãng chưa đưa ra bình luận về việc có bán thiết bị cho Trung Quốc hay không.

ASML đóng vai trò gần như độc quyền trong ngành chip khi chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với máy quang khắc bằng tia cực tím. Vì vậy, sản phẩm của Canon được kỳ vọng tạo ra sự cạnh tranh, gián tiếp hạ giá chip và mang đến cơ hội cho nhiều nhà sản xuất bán dẫn khác. Canon đã mua lại Molecular Imprints, đơn vị tiên phong về kỹ thuật in thạch bản nano, đồng thời cho xây thêm nhà máy sản xuất thiết bị gia công chip ở Utsunomiya, phía bắc Tokyo.

Đại diện Canon cho biết hãng đủ khả năng làm ra nhiều sản phẩm với độ chính xác cao, từ lăng kính metalens phức tạp dành cho công nghệ thực tế ảo, đến các loại chip phục vụ nhiều ngành nghề.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm