Doanh nghiệp

Cảnh giác chiêu lừa "hoàn học phí"

Lừa đảo trực tuyến nhắm vào nhu cầu cho năm học mới - Ảnh 1.

Lợi dụng nhu cầu mua sắm vật tư, thiết bị cho năm học mới, các đối tượng lừa đảo đang nhắm đến chủ kinh doanh vật liệu, thiết bị nội thất...

ẢNH: KHANG KA TẠO BẰNG AI

Mạo danh đặt hàng mua sắm thiết bị

Cuối tuần qua, trường THPT Hoàng Diệu (P.Phú Lợi, TP.Cần Thơ) thông báo về trường hợp có dấu hiệu lừa đảo. Cụ thể, BGH trường cho biết mấy ngày gần đây, có đối tượng sử dụng mạng xã hội Zalo với nick là Gia Hân, giả danh cán bộ trường THPT Hoàng Diệu để mua sắt thép cho nhà trường. Đối tượng nhắn tin cho một cơ sở kinh doanh để mua một số sắt thép cho nhà trường, gồm: Tôn Đông Á 45 tấm, dày 4,5 zem, dài 5,5 mét; sắt hộp 3 loại lớn tổng cộng 69 cây. Ngày 13.7, đối tượng tiếp tục giả kế toán của nhà trường gọi cho cửa hàng nội thất đặt 50 bộ giường nệm cho trường THPT Hoàng Diệu, trị giá hơn 200 triệu, đồng thời đòi chủ cơ sở chuyển tiền hoa hồng. Theo lãnh đạo Trường THPT Hoàng Diệu, nhà trường không có nhu cầu mua bán vật tư như đối tượng nhắn tin đặt hàng. Các chủ cơ sở cần cảnh giác tránh bị lừa đảo mất tiền.

Tình trạng mạo danh trường học để liên hệ các cơ sở cung cấp vật tư, thiết bị với mục đích lừa đảo không phải cá biệt mà đã xảy ra nhiều nơi khác. Mới đây, Công an TP.Hà Nội đã phát đi cảnh báo về trường hợp đối tượng mạo danh là giảng viên đại học liên hệ với công ty, hộ kinh doanh để đặt mua hàng hóa là văn phòng phẩm hoặc đồ dùng trong phục vụ nhà trường để thực hiện hành vi lừa đảo. Thủ đoạn của đối tượng là đặt đơn hàng giá trị lớn và yêu cầu cơ sở kinh doanh phải lựa chọn đúng mẫu của nhà cung cấp. Sau đó, đối tượng đề nghị chủ cơ sở kinh doanh liên hệ với một đối tác để lấy nguồn hàng rồi thúc giục lấy hàng ở đó. Thực chất, đối tác này là đồng phạm trong đường dây lừa đảo. Khi chủ cơ sở chuyển khoản đặt cọc lấy hàng, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền này.

Cách đây 2 tuần, một nạn nhân tên N.V.V, ngụ tại Hà Nội nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là giảng viên một trường đại học, đề nghị anh V. thực hiện gói thầu sửa chữa cơ sở vật chất cho nhà trường có giá trị hơn 2 tỉ đồng và yêu cầu đặt gấp 300 bộ giường tầng về trường để phục vụ công tác thanh tra đầu năm học. Khi anh V. báo giá sản phẩm thì đối tượng bảo không đúng với chủng loại mà trường cần và cho số điện thoại của một đối tác đã từng cung cấp loại giường này cho trường để liên hệ đặt mua. 

Anh V. thắc mắc tại sao không mua trực tiếp thì đối tượng cho rằng đang vướng mắc với đối tác này nên nhờ mua hộ. Do tin tưởng, anh V. đã liên hệ chuyển tiền đặt cọc mua giường và đệm cao su đồng thời yêu cầu "giảng viên" chuyển tiền trả anh. Lúc này, đối tượng gửi cho anh V. ảnh chụp mã giao dịch chuyển khoản báo thành công và giải thích là tiền sẽ chưa về ngay vì tài khoản của nhà trường là tài khoản công nên tiền về tài khoản chậm đi vài tiếng. Sau đó, anh V. có đến trường để liên hệ giao hàng thì được thông báo không có giảng viên nào đặt hàng như vậy. Phát hiện mình bị lừa, anh V. đã đến cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền anh bị chiếm đoạt là gần 1 tỉ đồng.

Lợi dụng miễn học phí để lừa "hoàn tiền học phí"

Theo cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo hiện nay theo dõi rất sát những diễn biến trên thị trường cũng như tìm hiểu thông tin của "con mồi", xây dựng kịch bản mua sắm rất bài bản để dẫn dụ nạn nhân sập bẫy. Mới đây, lợi dụng thông tin một số tỉnh, thành phố trên cả nước miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến lớp 12, nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng các số điện thoại "rác", tài khoản mạng xã hội "ảo" để gọi điện, nhắn tin đến phụ huynh học sinh thông báo hoàn tiền học phí đã đóng trước đó. 

Lừa đảo trực tuyến nhắm vào nhu cầu cho năm học mới - Ảnh 2.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn thu thập thông tin cá nhân để xâm nhập tài khoản ngân hàng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Để nhận được tiền học phí, kẻ lừa đảo yêu cầu phụ huynh cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP gửi về điện thoại để hoàn tất thủ tục. Tinh vi hơn, các đối tượng yêu cầu người dân truy cập vào đường link giả mạo trường học để tạo niềm tin và cũng yêu cầu người dân cung cấp thông tin trên. Cơ quan công an cảnh báo: Nếu làm theo hướng dẫn, các đối tượng lừa đảo sẽ nhanh chóng xâm nhập vào tài khoản ngân hàng của người dân và thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản. Vì thế, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, video khuôn mặt, CCCD), mã OTP cho người lạ.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chongluadao.vn khuyến cáo: "Người dùng tuyệt đối không quét QR Code hoặc truy cập vào các đường link lạ, tải và cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Hiện nay, website Chongluadao.vn đã tích hợp công cụ kiểm tra link có an toàn, khi nhận được 1 link lạ ai đó gửi cho, trước khi bấm vào, hãy copy đường link đó lại, sau đó truy cập vào trang web https://ai.chongluadao.vn (trên điện thoại hoặc máy tính đều được), dán link đó vào và nhấn kiểm tra. Hệ thống AI sẽ quét và phân tích trong vài giây. Nếu kết quả là link an toàn, người dùng có thể truy cập. Nếu là link lừa đảo hoặc giả mạo, tuyệt đối không click vào. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời báo tin đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Các tin khác