Tài chính

Triển vọng ngân hàng nửa cuối năm: Lợi nhuận kỳ vọng cải thiện nhờ tín dụng và NIM, lãi suất tăng nhẹ

Tín dụng khởi sắc nhờ đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng

Chia sẻ tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ đánh giá con số tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm là một mức tăng trưởng cao, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024 với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn.

Theo ông Quang, vốn là mạch máu của nền kinh tế nên để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng hai chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là một động lực không thể thiếu.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.

Tín dụng những tháng đầu năm 2025 có tốc độ tương đối trầm lắng đầu năm và chỉ thực sự bứt tốc từ cuối quý I (tương tự như năm 2024) và duy trì nhịp độ đều đặn trong quý II. 

 

Nhận định về triển vọng nửa cuối năm, trao đổi với chúng tôi, ông chuyên gia Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết động lực tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm sẽ đến từ ba yếu tố chính.

Thứ nhất là lĩnh vực đầu tư công, đây sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất, thúc đẩy nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng.

Thứ hai là lĩnh vực bất động sản, theo ông Thế Minh với mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp và nguồn cung bất động sản dần được cải thiện, nhu cầu tín dụng cho lĩnh vực này sẽ được kích thích mạnh mẽ trở lại. Đây là yếu tố quan trọng giúp khơi thông dòng vốn của ngân hàng.

Và cuối cùng là bán lẻ và tiêu dùng, vị chuyên gia cho rằng nhiều khả năng mảng này sẽ phục hồi chậm hơn và cần thêm thời gian, vì nó phụ thuộc vào sự cải thiện của bức tranh kinh tế tổng thể. Động lực này sẽ thể hiện rõ nét hơn ở giai đoạn cuối năm, có thể là quý IV/2025, trong khi tại quý III có thể vẫn sẽ là một cái giai đoạn tương đối khá là thách thức và khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam Yuanta Việt nam. (Ảnh: VNB).

Lãi suất và bài toán cải thiện NIM

Trong 6 tháng đầu năm vừa mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm. Nhận định về xu hướng này nhiều công ty chứng khoán dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng dần về cuối năm với kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt hoặc thậm chí vượt mục tiêu đề ra là 16%. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh nhận định rằng lãi suất sẽ có xu hướng phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm, nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

Theo chuyên gia, điều này sẽ khiến cho các ngân hàng phải bổ sung thanh khoản và từ đó là sẽ phải tăng lãi suất huy động và kèm theo đó là lãi suất cho vay ra cũng tăng lên.

“Lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại nếu tăng lên cũng là điều hợp lý, bởi dòng tín dụng đã bắt đầu chảy vào lĩnh vực bất động sản, thay vì bán lẻ hay sản xuất. Trong năm 2025, tín dụng đối với khu vực sản xuất dự kiến vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể là một năm đầy thách thức với ngành này.  

Như vậy, phần lớn dòng tín dụng nhiều khả năng sẽ tiếp tục xoay quanh các lĩnh vực liên quan đến bất động sản. Do đó, áp lực về lãi suất cho vay, đặc biệt là xu hướng tăng lãi suất, được đánh giá là sẽ hiện hữu trong thời gian tới

(Nguồn: MBS Research)

Theo dữ liệu từ Wichart, tính đến cuối quý I, NIM của các ngân hàng niêm yết ở mức 3,31%, thấp nhất kể từ quý IV/2020.So với đỉnh 3,79% ghi nhận vào quý III/2022, NIM ngành đã giảm liên tục trong hai năm qua.

Quay lại thời điểm quý I, biên lãi thuần (NIM) toàn ngành ngân hàng tiếp tục xu hướng thu hẹp khi chi phí vốn tăng nhanh hơn lợi suất tài sản sinh lời.

Diễn biến này phản ánh rõ áp lực từ mặt bằng lãi suất cho vay đang ngày càng giảm sâu, và dư địa nâng lãi suất đầu ra khó thực thi được. Trong bối cảnh đó, khả năng duy trì NIM ổn định của ngành ngân hàng đang trở nên thách thức hơn.

Trong bối cảnh đó, để cải thiện NIM, theo chuyên gia Thế Minh điều quan trọng đối với các ngân hàng hiện nay là cần kiểm soát tốt chi phí vốn đầu vào, tức là cơ cấu nguồn vốn huy động.

Thực tế, phần lớn ngân hàng hiện nay vẫn đang phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Mô hình này đặt ra thách thức lớn, nhất là trong điều kiện NHNN tiếp tục duy trì quy định giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức tối đa 30%. Do đó, để đảm bảo tuân thủ quy định và nâng cao hiệu quả hoạt động, các ngân hàng buộc phải đa dạng hóa và kéo dài kỳ hạn nguồn vốn.

Một số giải pháp được đề cập bao gồm tăng cường huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài, phát hành trái phiếu dài hạn, hoặc tăng vốn tự có thông qua phát hành cổ phiếu. 

Chuyên gia dẫn ví dụ đến khối ngân hàng quốc doanh, đơn vị có tổng tài sản lớn như BIDV nhưng lại sở hữu bộ đệm vốn còn mỏng.

Trong bối cảnh yêu cầu tăng vốn ngày càng trở nên cấp thiết, các ngân hàng này cần chủ động triển khai các phương án bổ sung vốn để duy trì an toàn vốn tối thiểu, đáp ứng chuẩn Basel II/III, đồng thời có đủ dư địa để nâng cao NIM trong giai đoạn tới.

 

Ngân hàng nhỏ tạm dẫn đầu nhưng tiềm ẩn rủi ro

Liên quan đến triển vọng lợi nhuận, chuyên gia Thế Minh đánh giá bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III và quý IV sẽ tích cực hơn nhờ hai yếu tố tăng trưởng tín dụng và khả năng cải thiện biên lãi ròng (NIM).

Với NIM, mức cải thiện có thể đến từ việc các ngân hàng dịch chuyển cơ cấu tín dụng sang những phân khúc có lãi suất cao hơn, chẳng hạn bất động sản – lĩnh vực được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đáng kể cho biên lợi nhuận. Ngoài ra, bán lẻ cũng có thể đóng góp, dù tốc độ phục hồi của mảng này vẫn còn chậm và khả năng phải đến quý IV mới ghi nhận rõ nét.

Cùng với đó, việc kiểm soát và tối ưu chi phí hoạt động cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể. Các chỉ số CIR trong quý I/2025 đã cho thấy xu hướng tích cực, phản ánh hiệu quả của quá trình tái cấu trúc chi phí tại nhiều ngân hàng.

Điều này góp phần kéo lợi nhuận tăng lên rõ rệt trong thời gian qua. Tóm lại, chuyên gia nhận định lợi nhuận toàn ngành năm 2025 sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm 2024, nhờ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như trên.

Đáng chú ý, chuyên gia nhìn nhận sự nổi bật của nhóm ngân hàng nhỏ trong giai đoạn đầu năm.  Theo ông Minh, số liệu quý I cho thấy tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ nhóm này,đặc biệt ở các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao.

Xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong quý II và nửa đầu quý III, trước khi các ngân hàng lớn như Techcombank hay VPBank, những nhà băng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ cao, quay lại đường đua tăng trưởng từ quý III hoặc quý IV.

Dù vậy, chuyên gia lưu ý rằng sự tăng trưởng mạnh của nhóm ngân hàng nhỏ thời gian qua phần lớn nhờ hưởng lợi từ bất động sản – một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu có thể gia tăng trở lại trong tương lai.

Chuyên gia cho rằng nếu không kiểm soát chặt chẽ, VAMC sẽ giống như một “thùng rác” tiếp tục gánh nặng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, với những ngân hàng quy mô nhỏ, việc chạy đua tăng trưởng tín dụng để gia tăng lợi nhuận rất dễ dẫn đến tình trạng đánh đổi rủi ro, điều sẽ đặt ra thách thức lớn cho toàn hệ thống.

 

Các tin khác

Số hóa toàn diện, FWD Việt Nam bứt phá mạnh mẽ về sản phẩm

Trong bối cảnh ngành bảo hiểm đang không ngừng chuyển mình để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng, FWD Việt Nam tiếp tục cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ thông qua những thành tựu nổi bật trong phát triển sản phẩm, đầu tư công nghệ và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Thẻ SeABiz Ultra Cash của SeABank: "Lợi ích kép" cho doanh nghiệp

Thanh toán không tiền mặt đã trở thành thói quen của đại đa số người dân và cả các doanh nghiệp. Không chỉ giúp việc giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán, doanh nghiệp còn được hưởng lợi lớn từ những giao dịch này.