Vừa qua, Khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nam, tên V. H. H. (25 tuổi, địa chỉ tại Phạm Kha – Thanh Miện – Hải Dương) trong tình trạng mệt nhiều, lơ mơ, buồn nôn, nôn.
Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 1 được chẩn đoán cách đây ba năm, điều trị bằng insulin Mix 16-16 nhưng không tuân thủ đều đặn. Một tuần trước nhập viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện mệt mỏi, ăn uống kém, đau bụng vùng hạ sườn trái, sau đó ý thức giảm, đáp ứng chậm, buồn nôn và nôn nhiều. Bệnh nhân được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, phát hiện đường huyết tăng cao và được chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân thể trạng gầy, chỉ số BMI 15,6, dấu hiệu nhiễm trùng và mất nước rõ rệt, Glasgow 14 điểm. Khám lâm sàng ghi nhận tình trạng không phù, tuyến giáp không to, không phát hiện hạch ngoại vi, tim đều tần số 93 ck/phút, huyết áp 110/70 mmHg, phổi thông khí tốt, bụng mềm, không chướng, ấn tức vùng thượng vị và quanh rốn. Các dấu hiệu thần kinh như gáy cứng, hội chứng màng não âm tính.
Cận lâm sàng cho thấy điện tâm đồ nhịp xoang 93 ck/phút, X-quang ngực và bụng chưa phát hiện bất thường, siêu âm ổ bụng phát hiện cặn thận hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán toan ceton do đái tháo đường type 1 trên nền suy kiệt thể trạng, đồng thời có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiêu hóa và tiết niệu.
![]() |
Hướng điều trị bao gồm bù dịch bằng NaCl 0.9% và Glucose 5%, bù điện giải theo kết quả xét nghiệm, kiểm soát đường huyết bằng insulin Actrapid điều chỉnh theo đường huyết mao mạch, sử dụng kháng sinh phối hợp Meropenem và Ciprofloxacin điều chỉnh theo mức lọc cầu thận, cùng với thuốc chống nôn, bảo vệ dạ dày và điều trị triệu chứng toàn thân.
Sau quá trình điều trị, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, Glasgow 15 điểm, không sốt, không còn dấu hiệu mất nước, tim phổi ổn định, bụng mềm, không còn nôn hay buồn nôn. Bệnh nhân được hội chẩn thêm về kiểm soát đường huyết nhằm ngăn ngừa tái phát toan ceton, đồng thời xây dựng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt cho bệnh nhân đái tháo đường type 1 trong tình trạng suy kiệt.
Bác sĩ Hoàng Mỹ Lệ Dung, khoa Điều trị tích cực cảnh báo: “Bệnh nhân đái tháo đường type 1 nếu không tuân thủ điều trị insulin dễ rơi vào toan ceton – biến chứng cấp tính nguy hiểm. Việc phát hiện sớm, xử trí kịp thời và giáo dục kỹ năng tự quản lý bệnh đóng vai trò sống còn”.
Ca bệnh là minh chứng cho việc kiểm soát đường huyết không chặt chẽ ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, đòi hỏi sự theo dõi sát sao, điều trị kịp thời và xây dựng kế hoạch chăm sóc toàn diện, cá thể hóa để cải thiện chất lượng sống người bệnh.
Tần suất mắc nhiễm toan ceton do đái tháo đường là 1 lần/10.000 người/năm. Thế nhưng khi khảo sát trên quần thể bệnh nhân đái tháo đường, tần suất nhiễm toan ceton là 46 lần/10.000 người đái tháo đường.
![]() |
Quên hoặc sử dụng không đúng liều lượng insulin là nguyên nhân gây ra nhiễm toan ceton ở người bệnh đái tháo đường. |
Nhiễm toan ceton là gì?
Nhiễm toan ceton là sự tích tụ axit trong máu của người bệnh. Xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao và diễn ra trong thời gian quá dài. Bệnh phổ biến ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 và ít phổ biến hơn ở những người bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Nhiễm toan ceton là biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Người bệnh có thể điều trị và ngăn chặn nhiễm toan ceton nếu kiểm soát tốt đường huyết.
Cơ chế nhiễm toan ceton
Một người bị tiểu đường khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin do tuyến tụy sản sinh, đóng vai trò quan trọng nhờ “kết nối” đường trong máu đến các tế bào để đi nuôi cơ thể.
Không có đủ insulin, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo làm nhiên liệu, gây ra sự tích tụ axit trong máu gọi là ceton. Nếu tình trạng này không được điều trị, sự tích tụ dẫn đến nhiễm toan ceton do tiểu đường. Nếu người bệnh bị tiểu đường đừng chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo nhiễm toan ceton. Khi người bệnh bị nhiễm toan ceton thì cần đi cấp cứu.
Các yếu tố thúc đẩy nhiễm toan ceton
Có 2 yếu tố thúc đẩy phổ biến nhất là:
- Bị bệnh khác: khi bị bệnh, người bệnh không ăn uống nhiều như bình thường, làm lượng đường trong máu khó kiểm soát. Chưa kể, nếu người bệnh rơi vào tình trạng nhiễm trùng hay bệnh trở nặng thì một số hormone như adrenaline hoặc cortisol được sản sinh ra nhiều hơn. Những hormone này hoạt động chống lại tác dụng của insulin, gây nhiễm toan ceton dễ hơn. Viêm phổi và nhiễm trùng đường tiết niệu là những bệnh phổ biến dẫn đến nhiễm toan ceton. (3)
- Liệu pháp insulin: nếu người bệnh tiểu đường được chỉ định tiêm insulin nhưng vì một lý do nào đó mà quên tiêm hoặc tiêm không đủ liều hoặc dùng sai liều insulin đều có thể dẫn đến nhiễm toan ceton.
Các nguyên nhân khác gây nhiễm toan ceton gồm: Đau tim hoặc đột quỵ; Chấn thương thể chất như tai nạn xe hoặc tinh thần; Lạm dụng rượu hoặc ma túy; Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu (thuốc nước) và corticosteroid (điều trị chứng viêm trong cơ thể); Viêm tụy; Thai kỳ.
Cách phòng tránh nhiễm toan ceton
Có nhiều cách phòng ngừa nhiễm toan ceton và các biến chứng tiểu đường khác:
- Quản lý bệnh tiểu đường: duy trì ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất đều đặn hằng ngày. Dùng thuốc tiểu đường hoặc insulin theo chỉ dẫn của bác sĩ từ các bệnh viện lớn.
- Theo dõi lượng đường trong máu: người bệnh cần kiểm tra và ghi lại lượng đường trong máu ít nhất 3 – 4 lần/ngày và thường xuyên hơn nếu đang bệnh hoặc căng thẳng. Theo dõi cẩn thận và đảm bảo lượng đường trong máu nằm trong phạm vi mục tiêu của bản thân.
- Điều chỉnh liều lượng insulin khi cần thiết: cần trao đổi với bác sĩ nếu bạn có ý định muốn điều chỉnh liều lượng insulin phù hợp với bản thân. Xem xét các yếu tố như lượng đường trong máu, những món ăn và mức độ hoạt động của bản thân có gây ảnh hưởng đến bệnh không. Nếu lượng đường trong máu bắt đầu tăng lên, hãy làm theo kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường để đưa lượng đường trong máu trở lại phạm vi mục tiêu bản thân.
- Chuẩn bị để hành động nhanh chóng: Nếu nghĩ bản thân bị nhiễm toan ceton do tiểu đường vì lượng đường trong máu cao cần gặp bác sĩ thăm khám ngay.