Mới đây, chị Nguyễn Thị Hoa (36 tuổi, quê Nghệ An), công nhân (CN) một doanh nghiệp da giày ở KCN Sóng Thần 2 (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Dương để làm thủ tục rút BHXH 1 lần. Dịch bệnh hoành hành 2 năm qua khiến việc làm của chị bấp bênh trong khi công việc của chồng không ổn định. Một mình chị với đồng lương ít ỏi khó kham nổi chi phí sinh hoạt khi giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng. "Khoản trợ cấp BHXH 1 lần sau gần hơn 15 năm làm việc có thể giúp vợ chồng tôi và 2 con sống khỏe ở quê. Biết là sẽ gặp khó khi về già nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác" - chị Hoa nói.
Số người rút BHXH một lần tăng cao
Không chỉ CN thu nhập thấp mới chọn rút BHXH 1 lần mà nhiều lao động có thu nhập cao cũng quyết định rời lưới an sinh.
Anh Đậu Đình Thắng, từng là kỹ sư ở một doanh nghiệp trong KCN Việt Nam - Singapore II (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), chia sẻ mới đầu năm anh cũng đã hoàn tất các thủ tục để rút BHXH 1 lần. Sau một thời gian làm việc cho công ty nước ngoài, anh Thắng tự tin đã tích lũy đủ kinh nghiệm để ra ngoài kinh doanh. Và để có tiền khởi nghiệp, anh chọn giải pháp rút BHXH 1 lần. Với mức lương kỹ sư, sau 8 năm làm việc, anh Thắng được cơ quan BHXH chi trả hơn 100 triệu đồng.
Theo số liệu từ cơ quan BHXH Bình Dương cho biết quý I/2022, có 16.100 người lao động (NLĐ) nộp hồ sơ nhận BHXH 1 lần. Trong đó, TP Thuận An có 4.400 hồ sơ, thị xã Tân Uyên 3.000 hồ sơ, văn phòng BHXH tỉnh tiếp nhận 2.800 hồ sơ.
Nhiều người lao động tìm đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Dương để làm thủ tục rút BHXH một lần Ảnh: CHÂU LOAN
Tại TP HCM trong những ngày gần đây, số người đến cơ quan BHXH tại TP HCM làm thủ tục hưởng BHXH 1 lần tăng cao. Theo BHXH TP, từ đầu năm đến nay đã có hơn 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH 1 lần, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân do dịch Covid-19 hoành hành hơn 2 năm qua khiến nhiều NLĐ mất việc làm dẫn đến không có thu nhập, họ cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Một số NLĐ khác lựa chọn nhận vì lo ngại thay đổi chính sách.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, cho hay việc nhận BHXH 1 lần khiến NLĐ rất thiệt thòi. Cụ thể, số tiền nhận BHXH 1 lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng BHXH trong 1 năm của NLĐ bằng 2,64 tháng lương nhưng khi nhận chỉ được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Ngoài ra, thời gian đóng BHXH của NLĐ đã được tính hưởng BHXH 1 lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác. Bên cạnh đó, NLĐ cũng mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận 1 lần (không được hoàn trả BHXH 1 lần đã nhận).
Không có lương hưu hằng tháng khi về già, NLĐ phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động. NLĐ cũng mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền... "Quyền quyết định hưởng hay không thuộc về NLĐ nhưng cần cân nhắc kỹ để tránh thiệt thòi và bảo đảm an sinh khi hết tuổi lao động" - ông Mến nhấn mạnh.
Đừng vì lợi ích trước mắt
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, số người được giải quyết hưởng BHXH 1 lần là 208.943 người. Con số này đã tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, thống kê trong giai đoạn 2014-2019 cho thấy ngành BHXH đã giải quyết cho gần 3,7 triệu người nhận BHXH 1 lần (bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người nhận BHXH 1 lần - tương đương số người tham gia mới trong năm). Những người nhận BHXH 1 lần chủ yếu từ 20-39 tuổi, trong đó nhiều nhất là từ 25-29 tuổi (chiếm 27,6%). Số người có trên 10 năm đóng BHXH có xu hướng nhận BHXH 1 lần ngày càng tăng.
Các chuyên gia an sinh cho rằng đây là thực tế rất đáng lo ngại. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội lâu dài của quốc gia, khi dân số nước ta đang bắt đầu giai đoạn già hóa.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc nhận BHXH 1 lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt nhưng đồng nghĩa với việc NLĐ đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già, độ tuổi dễ bị tổn thương nhất. Như vậy, trong tương lai, những lao động này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già hoặc nếu có thì mức hưởng lương hưu rất thấp.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến số người nhận BHXH 1 lần tăng là do việc thiết kế chính sách BHXH hiện hành còn những rào cản, dẫn tới chưa có khả năng thu hút sự tham gia của NLĐ. Tuy nhiên, theo ông Đào Việt Ánh, thời gian qua cũng có không ít NLĐ đã nhận BHXH 1 lần, sau này lại mong muốn được nộp lại khoản tiền đã nhận, tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Nhưng vấn đề này không thể giải quyết được, vì pháp luật hiện hành không có quy định theo mong muốn của NLĐ.