Cụ bà H.T.N (85 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Người nhà cho biết, sau khi ăn xoài, bà N. xuất hiện triệu chứng khó thở và được đưa đến một bệnh viện trên địa bàn. Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu ban đầu, thực hiện thủ thuật Heimlich để tống dị vật nhưng không thành công. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng lơ mơ, khó thở, nguy kịch, đe dọa đến tính mạng.

Bác sĩ Phan Châu Quyền, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, tiến hành nội soi phế quản và phát hiện một mảnh xoài nằm ở phế quản gốc bên trái.
Hiện tại, bà N. đã ổn định sức khỏe, được rút nội khí quản. Bệnh nhân đang thở oxy mũi và dự kiến có thể xuất viện trong 1 đến 2 ngày tới.
Bác sĩ Quyền khuyến cáo, những đối tượng như người cao tuổi, trẻ nhỏ, người suy giảm ý thức hoặc có rối loạn chức năng nuốt rất dễ bị hóc dị vật đường thở. Cha mẹ không nên để trẻ tiếp xúc với các vật thể nhỏ; tránh cho trẻ ngậm đồ chơi, đưa vật lạ vào mũi hoặc miệng. Khi ăn uống, nên nhai kỹ, không cười đùa để hạn chế nguy cơ dị vật rơi vào đường thở.
Hóc dị vật đường thở xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Người bệnh cần được sơ cứu khẩn cấp vì nguy cơ biến chứng nghiêm trọng ở đường hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong. Phương pháp điều trị và theo dõi khác nhau tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, vật hóc phải và nguyên nhân bệnh lý dẫn đến hóc dị vật đường thở.
Khi xảy ra tình trạng hóc dị vật, người bệnh phải được sơ cấp cứu đúng cách và gọi cấp cứu ngay để được hỗ trợ.